Không gian công không ai ngó

Với diện tích vườn hoa, công viên, sân chơi chỉ vỏn vẹn 1,7m2/người, Hà Nội đang ngày càng trở nên ngột ngạt, chật chội. Việc vườn hoa, công viên, sân chơi không ngừng bị lấn chiếm, đất công cộng ưu tiên dành để xây dựng các công trình nhà ở, sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan chức năng… đã dần biến Hà Nội thành một đô thị “hộp” không một kẽ hở.

Với diện tích vườn hoa, công viên, sân chơi chỉ vỏn vẹn 1,7m2/người, Hà Nội đang ngày càng trở nên ngột ngạt, chật chội. Việc vườn hoa, công viên, sân chơi không ngừng bị lấn chiếm, đất công cộng ưu tiên dành để xây dựng các công trình nhà ở, sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan chức năng… đã dần biến Hà Nội thành một đô thị “hộp” không một kẽ hở.

“Thèm” công viên

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 67 công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, phần lớn đều nằm ở khu vực trung tâm TP, không phải người dân nào cũng có cơ hội tiếp cận hàng ngày. Trong khi đó, hệ thống vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao hàng ngày lại thiếu một cách trầm trọng và không ít nơi đã bị thương mại hóa như thành bãi đỗ xe, bán hàng…

Tại cuộc hội thảo về không gian công cộng như vườn hoa, công viên, sân chơi vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng TP thực sự chưa quan tâm đến các khu vực công cộng, nhiều khi dân phải tự làm sân chơi, vườn hoa, công viên chứ TP không đầu tư.

“Đi kiểm tra 900 tuyến đường phố, thấy nhiều mảnh đất quảng trường bị khai thác cho các mục tiêu khác không phải cho vui chơi, trong khi đó, không gian công cộng cho người dân đang thiếu trầm trọng, tỷ lệ vườn hoa, sân chơi cũng không đồng đều giữa các quận, phường. Tôi cho rằng người dân cần được bình đẳng trong hưởng thụ vườn hoa, sân chơi”- ông Nghiêm nhận định.

TS. Michael Digregorio, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, cho rằng có một thực trạng dễ thấy hiện nay tại Hà Nội là các chủ đầu tư sau khi xây dựng khu đô thị xong thường không muốn cho người dân ở bên ngoài vào sử dụng…

Lấy thí dụ công viên Ciputra, người dân phải nói dối là sống ở đó hoặc có bạn ở đó để được sử dụng, ông Michael Digregorio đưa ra một thí dụ đối lập về Hawaii, các chủ đầu tư phải góp tiền vào quỹ của TP để đảm bảo không gian công cộng, bao gồm cả công viên lớn và vườn hoa, sân chơi khu dân cư. “Chính quyền TP có kế hoạch phát triển không gian công cộng ở tất cả các cấp và lấy tiền từ quỹ đó để phát triển, thực hiện kế hoạch. Hawaii có Hội đồng Công viên TP để thực hiện điều này” - ông Michael Digregorio cho biết.

Cần hơn văn bản

Trên thực tế, theo các chuyên gia, trong quy hoạch đô thị, không gian công cộng nói chung và sân chơi, vườn hoa nói riêng là những tiện ích không thể thiếu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những khoảng đất này dần dần bị xà xẻo để phục vụ cho những lợi ích thương mại khác do chính quyền TP chưa thực sự quan tâm.

Một thí dụ điển hình là tại phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), ông Nguyễn Khoa Xuân, Chủ tịch UBMT phường, cho biết theo Luật Thủ đô mỗi khu dân cư phải có 1 vườn hoa, sân chơi.  Phường Trung Tự có 22 sân chơi, nhưng hầu hết không được sử dụng đúng mục đích mà đa phần đều là các hộ nghèo và người thất nghiệp chiếm dụng để kinh doanh. Nếu để giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm, TP cần có chủ trương giảm nghèo và tạo công ăn việc làm.

Không gian công không ai ngó ảnh 1

Vườn hoa, sân chơi như thế này là mơ ước của rất nhiều người dân Hà Nội.
Ảnh: HOÀI TRÂM

Bên cạnh đó, TP cần có chế tài xử phạt cụ thể bởi chỉ có nội quy mà không có chế tài, các đơn vị thực thi cũng như bị “trói chân trói tay”. Ở một góc độ khác, người đại diện của một tổ chức chuyên làm sân chơi cho trẻ đã thẳng thắn cho rằng, các không gian công cộng đang bị TP thờ ơ, gần như bỏ quên mất. Thậm chí, để có được một khoảng đất nhỏ đặt một vài đồ chơi nhỏ cho trẻ em như cầu bập bênh, xích đu, thú nhún… cũng thực sự là một khó khăn, bởi vấp phải sự phản đối của những hộ kinh doanh buôn bán và nhiều địa phương không hợp tác.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vấn đề then chốt là phải có thể chế. Gốc của thể chế là quyền sở hữu. Không gian công cộng thuộc quyền của ai hiện nay cần phải xác định rõ. Chính bởi việc chưa rõ ràng này nên đã nảy sinh ra tranh chấp và dễ bị chiếm dụng cho những mục đích kinh doanh.

“Có thể dễ dàng thấy được tranh chấp giữa thị trường BĐS và các nhà quy hoạch. Các chủ đầu tư đều ngắm nghía giành đất không gian công cộng để xây đô thị. Hay nhỏ hơn là bản thân trong một khu đô thị, tranh chấp chung-riêng vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu không làm sáng tỏ, không có sự đầu tư đúng mức, chắc chắn những khoảng không gian công cộng nhỏ và vừa sẽ dần dần biến mất theo tốc độ đô thị hóa quá nhanh như hiện nay” - ông Liêm khẳng định.

Các tin khác