Không đồng ý trồng dừa trên đường phố TPHCM

Về mặt cảnh quan, trồng dừa tại TP.HCM là không phù hợp, còn về mặt pháp lý, cây dừa nằm trong danh mục cây cấm trồng trên đường phố theo quyết định của UBND TP.

Về mặt cảnh quan, trồng dừa tại TP.HCM là không phù hợp, còn về mặt pháp lý, cây dừa nằm trong danh mục cây cấm trồng trên đường phố theo quyết định của UBND TP.

 

Ngày 22-10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất mô hình trồng dừa làm cây xanh trên các tuyến đường mới và ven kênh rạch TP.HCM.

Theo Sở Giao thông vận tải TP, các nhà khoa học không đồng ý trồng dừa vì việc trồng cây đô thị hiện cần quan tâm đến tác động về nhiệt của biến đổi khí hậu, do đó, cần chọn loài cho nhiều bóng mát.

Ngoài ra, công tác trồng cây xanh đường phố nói chung nhằm mục đích chính là tạo bóng mát trên các tuyến đường nhưng tán lá của cây dừa không đáp ứng được tiêu chí này.

Về khía cạnh an toàn cho người dân, cây dừa có trái to, khi rụng gây nguy hiểm và tàu lá khô rơi từ trên cao xuống cũng ảnh hưởng đến vấn đề an toàn cho người đi đường.

Về mặt cảnh quan, cây dừa cũng có nét đặc thù nhưng không phải là cây đẹp để trồng tạo cảnh quan ven đường (trong khi TP đang cần thêm nhiều bóng mát). Về mặt kinh tế, mục đích trồng cây đô thị không vì lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, trong trường hợp kết hợp mục tiêu kinh tế thì việc khai thác trái (liên quan đến khía cạnh an toàn cho người dân) hoặc chiết xuất mật hoa đều không khả thi trong điều kiện thường xuyên đông người và phương tiện lưu thông trên đường như tại TP.HCM.

Còn về mặt pháp lý, cây dừa thuộc Danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM được ban hành kèm theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 25-11-2013 của UBND TP.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lưu ý thêm về đặc tính không chịu được ngập úng của cây dừa, đồng thời, xét về khía cạnh sinh thái, khi trồng nhiều dừa sẽ dễ xảy ra dịch hại như ấu trùng bọ cánh cứng (đuông) ăn cổ hũ dừa, mà việc phun thuốc phòng trừ sẽ ảnh hưởng đến cư dân đô thị.

Có thể trồng dừa ven kênh rạch nhưng chỉ trồng ở những nơi không có đường ven kênh, ít người qua lại.

Báo cáo của Sở GTVT cũng cho rằng các đơn vị đang trực tiếp quản lý và chăm sóc cây xanh cũng đề nghị không nên trồng dừa ở nơi công cộng nhằm tránh tình trạng rụng trái, gây nguy hiểm cho người dân.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP đã thực hiện việc đốn hạ và thay thế dần cây dừa do người dân trồng tự phát trên đường phố và khu vực công cộng trước đây.

Có rất nhiều trường hợp được chính người dân đã trồng cây dừa và chính quyền địa phương đề xuất đốn hạ để đảm bảo an toàn.

Đối với những cây trong Danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM nói chung (trong đó có cây dừa), các đơn vị quản lý và chăm sóc cây xanh vẫn đang tiếp tục rà soát để thay thế dần theo kế hoạch cải tạo - chỉnh trang cây xanh.

Sở Giao thông vận tải TP có quan điểm là nâng cao tính phong phú, đa dạng về chủng loại cây trồng trên địa bàn TP, trong đó, tùy theo đặc điểm của khu vực trồng cây mà lựa chọn cây trồng và hình thức bố trí phù hợp (nguyên tắc “đúng cây, đúng vị trí”).

Do đó, tương tự nhiều loài cây khác, cây dừa sẽ được Sở Giao thông vận tải  TP tiếp tục duy trì hoặc có thể trồng mới để tạo cảnh quan tại các vị trí phù hợp.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngoài dừa, ông Kỷ cho biết thêm còn 27 loại cây khác (theo quyết định 52, ngày 25-11-2013 về ban hành danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM) cũng thuộc diện cấm trồng trên đường phố như: bã đậu, bàng, bồ kết, các loại cây ăn quả, cao su, cô ca cảnh, da (sung), điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, lòng mức lông, mã tiền, me keo, mò cua (sữa), sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trôm hôi, trứng cá, trúc đào và xiro.

Các tin khác