Khổ vì... nhà cổ

(ĐTTCO) - TPHCM hiện có 1.500 biệt thự, nhà cổ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng do vướng quy định nên không được phép phá bỏ hoặc xây mới. Tuy nhiên, trong khi chính quyền TP còn loay hoay tìm cách phân loại để quản lý, nhiều biệt thự đã bị tháo dỡ, khuôn viên biệt thự nay là bãi đất trống hoặc bị chia năm xẻ bảy, số còn lại đang xuống cấp trầm trọng.

(ĐTTCO) - TPHCM hiện có 1.500 biệt thự, nhà cổ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng do vướng quy định nên không được phép phá bỏ hoặc xây mới. Tuy nhiên, trong khi chính quyền TP còn loay hoay tìm cách phân loại để quản lý, nhiều biệt thự đã bị tháo dỡ, khuôn viên biệt thự nay là bãi đất trống hoặc bị chia năm xẻ bảy, số còn lại đang xuống cấp trầm trọng.

Sống trên đất vàng

Thời gian qua, trong lúc chờ các cơ quan chức năng phân loại nhà cổ, biệt thự cổ để chủ nhân có hướng sửa chữa, bảo tồn hay phá dỡ… nhiều căn biệt thự xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Căn biệt thự tại số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3) có diện tích gần 3.000m2, đã được chủ nhân chuyển nhượng cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh văn phòng cách đây khoảng 1 năm với giá được tiết lộ 35 triệu USD. Được biết, biệt thự này có tuổi thọ hơn 100 năm, doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền khoảng 750 tỷ đồng mua lại không phải để ở mà có thể đập bỏ xây cao ốc văn phòng, bởi vị trí căn biệt thự này giáp 3 mặt tiền (Võ Văn Tần - Nguyễn Thị Diệu - Bà Huyện Thanh Quan). Một biệt thự khác nằm góc đường Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai, vốn trước kia là trụ sở của một ngân hàng, đã đóng cửa từ nhiều năm qua, nay đang bị để hoang, xuống cấp trầm trọng.

Hay như hàng chục hộ dân đang sinh sống tại 220-240 Võ Văn Kiệt (quận 1) nhiều năm qua đã khốn khổ vì nhà cửa xuống cấp nhưng không thể nâng cấp, sửa chữa được. Khu nhà này vốn là trụ sở của Công ty Nước mắm Liên Thành, được xây dựng từ năm 1917. Lúc đó, bến Chương Dương khá náo nhiệt, nơi đây là kho chứa muối, tẩm ướp cá tươi, kho ủ nước mắm... Qua thời gian, trụ sở này được bán cho khá nhiều người, tạo thành những căn nhà ống liền kế. Đáng nói dù dãy nhà nằm ngay khu đất vàng, mặt tiền hướng ra bờ kênh, nhưng nhiều hộ muốn bán vẫn không được. Nhiều nhà đầu tư ngại mua những căn nhà này vì biết rõ sẽ không được xây mới. Bà Bình, một người dân ngụ tại đây cho biết nhiều  năm qua bà mang đơn đi khắp nơi với mong muốn xây lại căn nhà của mình để bảo đảm an toàn, nhưng đã không được phép với lý do nhà cổ, chờ ý kiến của cơ quan chức năng. Bà Phạm Thị Liên, chủ một căn hộ khác, cho biết do trước đây nhà này là kho chứa nước mắm nên dưới nền còn rất nhiều muối. Khi mưa, hơi muối bốc lên thấm vào vách tường khiến gạch bị hư, vôi bong tróc. Thậm chí, có đoạn tường bị nứt, chỉ cần dùng chân đạp mạnh là có thể sụp từng mảng. Cá biệt có biệt thự quá cổ phải tháo dỡ để tránh nguy hiểm như biệt thự tại số 25 Nguyễn Thị Minh Khai.

Biệt thự cổ góc Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đang xuống cấp trầm trọng. Biệt thự có tuổi thọ hơn 100 năm tại 112 Võ Văn Tần (quận 3) đã được bán cho chủ mới. Ảnh: LONG THANH

 Biệt thự cổ góc Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đang xuống cấp trầm trọng.

 Biệt thự cổ góc Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đang xuống cấp trầm trọng. Biệt thự có tuổi thọ hơn 100 năm tại 112 Võ Văn Tần (quận 3) đã được bán cho chủ mới. Ảnh: LONG THANH

Biệt thự có tuổi thọ hơn 100 năm tại 112 Võ Văn Tần (quận 3) đã được bán cho chủ mới. 
Ảnh: LONG THANH 

Phân loại để bảo tồn hoặc tháo dỡ

Trước tình hình nhiều căn biệt thự bị tháo dỡ, mới đây UBND TP đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa về tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn. Theo đó, TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT) hướng dẫn các quận, huyện kiểm đếm, phân loại biệt thự. Từ đó xác định các công trình biệt thự cần bảo tồn (nhóm 1, 2) và các công trình không thuộc diện bảo tồn, từ đó làm cơ sở đề xuất, giải quyết nhanh việc cho phép tháo dỡ và cấp phép xây dựng cho người dân. Đồng thời thực hiện lấy ý kiến góp ý của các chủ sở hữu có biệt thự thuộc danh mục đề xuất cần bảo tồn.

Hiện nay các biệt thự cũ chủ yếu tập trung tại các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Thủ Đức. Lâu nay do chưa có tiêu chí phân loại biệt thự nên nhiều biệt thự xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng không được xây dựng, sửa chữa. Một số nơi như quận 3 đã phải vận dụng cấp phép sửa chữa cho những nhà biệt thự cũ nát theo dạng nhà có nguy cơ sụp đổ để người dân được sửa chữa lại. Một số quận huyện cho biết do chưa có tiêu chí phân loại và cũng chưa được phân loại nên rất lúng túng trong việc cấp phép xây dựng, sửa chữa. Các địa phương đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện phân loại để có cơ sở xử lý cấp phép xây dựng cho dân, cũng như có chương trình bảo tồn cụ thể với các biệt thự thuộc dạng phải bảo tồn.

TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển TPHCM, cho rằng bộ tiêu chí đã được xác lập nhưng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phân loại để cứu biệt thự cổ. Bởi lâu nay việc bảo tồn dạng biệt thự này còn nhiều bất cập, nhiều biệt thự không có giá trị, xuống cấp trầm trọng nhưng chủ nhân vẫn không được sửa chữa, tháo dỡ; những biệt thự thực sự có giá trị cần được bảo tồn cần duy tu, sửa chữa cũng không biết phải thực hiện như thế nào.

Bộ tiêu chí phân loại biệt thự cổ, nhà cổ

- 3 tiêu chí chính: kiến trúc, nghệ thuật; cảnh quan đô thị; lịch sử văn hóa và 3 tiêu chí phụ: tính nguyên gốc; tính toàn vẹn và tình trạng chất lượng công trình.

- Nhóm 1 là các biệt thự có giá trị điển hình về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật do hội đồng phân loại biệt thự xác định, lập danh sách và UBND TP phê duyệt.

- Nhóm 2 là các biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật do hội đồng phân loại biệt thự xác định, lập danh sách và trình UBND TP phê duyệt.

- Nhóm 3 là các biệt thự không thuộc 2 nhóm trên.

- Nhóm 1 và 2 cần được bảo tồn theo nguyên tắc giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng, độ cao (đối với nhóm 1) và phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự về mật độ xây dựng, số tầng cao, độ cao (đối với nhóm 2).

- Nhóm 3 không cần bảo tồn, được phép tháo dỡ khi có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình mới. Việc tháo dỡ thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Các tin khác