Keangnam: Ai chưa xứng với ai?

Tranh chấp ở tòa nhà danh giá bậc nhất Hà Nội đột ngột nóng lên một cách khó hiểu và diễn biến theo cách chưa ai ngờ đến: chủ đầu tư cắt điện, nước và thang máy, đẩy các hộ dân ra đường…

Trong khi đó, người dân tòa nhà 48 tầng này mắc võng, trải chiếu để biểu tình, thậm chí mang cả bếp than tổ ong vào để… hun khói. Sự hành xử thiếu văn minh giữa cả hai bên đã khiến cho cuộc sống ở một chung cư cao cấp giữa Hà thành không khác một cái làng.

Mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư chung cư cao cấp Keangnam đã âm ỉ từ cách đây rất lâu và mấu chốt của vấn đề nằm ở mức phí quản lý “cắt cổ” do Keangnam và công ty quản lý đưa ra: 18.843 đồng/m2, cao vượt trội so với mức phí của một loạt chung cư cao cấp khác tại Hà Nội như Vincom B, The Manor…

Với mức giá này, một căn hộ 100m2, mỗi tháng chủ nhà phải chi trả gần 2 triệu đồng tiền quản lý và nếu tính cả điện nước, mức phí lên tới khoảng 6 triệu đồng/tháng - ngang ngửa với giá thuê một căn hộ chung cư tại trung tâm thành phố. Điều này khiến không ít người bức xúc, vì theo quy định của UBND TP Hà Nội, khu vực Từ Liêm phí cao nhất chỉ vỏn vẹn 4.000 đồng/m2.

Cách hành xử của Keangnam Vina bị cho là không thể chấp nhận được, vì để sở hữu một căn hộ nơi đây, người dân đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng, chưa kể sự độc đoán trong cách áp các loại phí dịch vụ. Cũng theo người dân, mức dịch vụ mà họ được hưởng hoàn toàn không tương xứng với số tiền phải bỏ ra như dọn vệ sinh không đạt yêu cầu, tường nhà mọc rêu, ống nước vỡ, bể bơi bé, khuôn viên hẹp…

Nhưng, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, lại cho rằng chính một số hộ dân mới không xứng với tầm vóc của tòa nhà, nếu thu phí 4.000 đồng/m2 thì không đủ để vận hành thang máy chứ chưa nói đến các dịch vụ khác.

Trên thực tế, vụ việc ở Keangnam khó có thể phân xử rạch ròi bởi hợp đồng mua nhà đã được ký kết, quy định của UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ đối với những trường hợp như Keangnam, chủ đầu tư và người dân có thể thỏa thuận để đưa ra mức phí phù hợp. Như vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chủ đầu tư và cư dân đối xử với nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn tiếp tục ứng xử như trên, cả chủ đầu tư lẫn dân cư Keangnam đều không xứng với tầm vóc của tòa nhà. Đối với chủ đầu tư người Hàn Quốc, việc áp đặt mức phí không qua thỏa thuận từ đầu, không đối thoại với người dân, ngang nhiên cắt thang máy (trong hợp đồng, thang máy thuộc sở hữu của chủ đầu tư) là một cách hành xử không đẹp, đi ngược với văn hóa Việt Nam.

Còn về phía người dân, việc kỳ vọng sống ở một chung cư cao cấp nhưng hưởng phí bình dân cũng hết sức vô lý. Rõ ràng, qua vụ việc Keangnam khiến dư luận vỡ vạc ra nhiều lỗ hổng về cách điều hành, quản lý hay văn hóa ứng xử ở các tòa chung cư - đặc biệt là chung cư cao cấp - hiện nay.

Các tin khác