Hối hả hạ tầng khu Đông

(ĐTTCO)  - Những ngày đầu năm 2017, cư dân khu Đông TPHCM đón nhận nhiều tin vui về hạ tầng giao thông như tiến độ nút giao thông Mỹ Thủy, đường ven sông Sài Gòn đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ và cầu qua đảo Kim Cương, đường song hành cao tốc Long Thành-Dầu Giây…

(ĐTTCO)  - Những ngày đầu năm 2017, cư dân khu Đông TPHCM đón nhận nhiều tin vui về hạ tầng giao thông như tiến độ nút giao thông Mỹ Thủy, đường ven sông Sài Gòn đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ và cầu qua đảo Kim Cương, đường song hành cao tốc Long Thành-Dầu Giây…

Cụ thể, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) TPHCM thông báo bắt đầu chuyển sang giai đoạn thi công gói thầu cầu vượt và hầm chui rẽ trái tại nút giao Mỹ Thủy (quận 2). Dự án sẽ xây dựng cầu vượt thẳng qua nút giao theo hướng đường Vành đai 2 rộng 17m, dài 316m cho 4 làn xe ô tô (hướng từ cầu Phú Mỹ thẳng qua cầu Kỳ Hà 3 và ngược lại). Đồng thời, theo hướng từ cầu Kỳ Hà 3 sẽ xây dựng hầm chui dưới nút giao rẽ trái về đường Nguyễn Thị Định để xuống cảng Cát Lái. Hầm dài 405m, rộng 9m cho 2 làn xe, trên nắp hầm chui ngay tại nút giao sẽ hình thành vòng xoay như hiện nay…

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư dự án), với kinh phí gần 838 tỷ đồng toàn bộ giai đoạn 1 của công trình nút giao Mỹ Thủy sẽ hoàn thành vào năm 2018. Sau khi hoàn thành, nút giao này sẽ tách được các dòng xe đi từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái với dòng xe đi từ cầu Phú Mỹ và cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2. Khi đó, các dòng xe không còn phải xếp hàng chờ đợi để đi qua vòng xoay Mỹ Thủy như hiện nay.

Khu Đông được xem là cửa ngõ vào trung tâm TPHCM với hạ tầng giao thông vẫn đang tiếp tục đầu tư.

Khu Đông được xem là cửa ngõ vào trung tâm TPHCM
với hạ tầng giao thông vẫn đang tiếp tục đầu tư.

Trước đó, đầu tháng 12-2016, UBND TPHCM đã duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường song hành đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đoạn từ đường Mai Chí Thọ (quận 2) qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2-Võ Chí Công (quận 9). Theo đó, liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và CTCP BĐS Tiến Phước là nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án nêu trên. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2018. Tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng theo hình thức BT.

Quy mô đầu tư xây dựng mới 3.387m đường giao thông đô thị, trong đó: đoạn 1 dài 2.769m, đoạn 2 dài 617m. Dự án cũng xây dựng mới 3 cầu trên tuyến là Bà Dạt, Mương Kênh và Bà Hiện, tổng chiều dài 3 cầu khoảng 566m. Đồng thời xây dựng, cải tạo các nút giao trên tuyến với các tuyến đường hiện hữu và quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với xây dựng đường thoát nước mưa, chiếu sáng, hào kỹ thuật, cây xanh…

 Liên quan đến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đoạn từ nút giao đường Mai Chí Thọ (quận 2) qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến nút giao thông đường Vành đai 2-Võ Chí Công, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) có văn bản gửi Bộ GT-VT kiến nghị xem xét tổ chức lại giao thông theo tính chất “đường đô thị” để cho phép lưu thông hỗn hợp, cả xe ô tô và xe máy. Nguyên nhân do đường song hành với đoạn này chưa được xây dựng theo quy hoạch, trong khi các khu đô thị dọc tuyến đường này như những khu dân cư lớn đang hình thành thu hút người dân đến sinh sống.

Hồi tháng 10-2016, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách TP kết hợp vốn góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án để đầu tư đường ven sông Sài Gòn đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ và cầu qua đảo Kim Cương thuộc quận 2. Dự kiến công trình sẽ kết nối Đại lộ Mai Chí Thọ với đường Vành đai 2, làm giảm đáng kể áp lực về giao thông trên tuyến đường Đồng Văn Cống. Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn quận 2 tại khu vực phường An Phú, Bình Khánh, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi (ven sông Sài Gòn) và Cát Lái.

Tuyến đường Mai Chí Thọ thông xe năm 2016 giúp trục dọc hướng về quận 2, quận 9 lưu thông dễ dàng hơn. Tương tự, cầu Phú Hữu được đưa vào sử dụng đầu năm 2016 đã khép kín dần đường Vành đai 2 theo quy hoạch, tạo ra một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối giữa Khu Công nghệ cao với các cảng biển như Cát Lái, Hiệp Phước. Đường Vành đai 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động giao thông của TPHCM. Khi hoàn thiện được tuyến đường này, TPHCM sẽ có điều kiện kết nối thuận lợi với các Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50 và các tuyến đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành...

Cùng với đó, đường Đồng Văn Cống thông xe đã giúp điều tiết và hạn chế lượng xe container đi qua nội khu để vào cảng Cát Lái cũng như kết nối Thạnh Mỹ Lợi với Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao quận 9. Trong tương lai khi cầu Cát Lái, sân bay Long Thành, cùng với các tuyến đường song hành cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Vành đai 2 được hoàn thành, cư dân khu Đông TPHCM có thể hoàn toàn yên tâm nếu làm việc tại các khu vực khác của TPHCM cũng như những khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.

Các tin khác