Hoảng vì 'lỗ hổng lớn' mất an toàn lao động

Tai nạn lao động luôn xảy ra, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vụ rơi vật liệu thi công đường sắt trên cao ngày 6/11 là lời cảnh báo cần siết lại ngay thực trạng này.

Tai nạn lao động luôn xảy ra, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vụ rơi vật liệu thi công đường sắt trên cao ngày 6/11 là lời cảnh báo cần siết lại ngay thực trạng này. 

 

Mặc dù Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Y tế đã có Thông tư liên tịch số 01/2011 hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn đề nghị các bộ, ngành khác tăng cường phối hợp trong công tác này, tuy nhiên tai nạn lao động vẫn luôn xảy ra, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vụ rơi vật liệu thi công đường sắt trên cao ngày 6/11 trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội) là lời cảnh báo cần siết lại ngay thực trạng này.

Nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng

Theo số liệu tổng kết về an toàn lao động 6 tháng đầu năm 2014 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn trong đó số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ. So với 6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNLĐ tăng 132 vụ (tăng 3%), tổng số nạn nhân tăng 74 người (tăng 2%), số vụ TNLĐ chết người giảm 65 vụ (giảm 20%) và số người chết giảm 25 người (giảm 8%).

Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng 6 tháng đầu năm 2014 phải kể ra như: Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/1/2014 làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; vụ tai nạn do ngạt khí xảy ra vào 10g30 ngày 11/4/2014 làm 3 người chết và 3 người bị thương tại công ty cổ phần Vĩnh Phát, Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế; vụ tai nạn do đá lăn xảy ra vào 13g30 ngày 23/4/2014 làm 2 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125- Cencol, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa… Qua 6 tháng, đã có 1 vụ tai nạn bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố.

Thời gian gần đây, khá nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra gây xôn xao dư luận. Chẳng hạn chúng ta có thể đọc thấy trên các báo mạng khá dày những thông tin gây “choáng”, như những vụ rơi thang máy khiến công nhân xây dựng bị trọng thương, tử vong; trần nhà đang tháo dỡ đổ sập khiến 2 người chết thảm; sập sàn bê tông khách sạn đang thi công, 1 người tử vong; sập giàn giáo mái che bể nước thuộc dự án Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) khiến 2 công nhân thiệt mạng, 3 người khác trọng thương…

Và gần đây nhất, vụ tai nạn sáng 6/11/2014 tại tại khu vực đối diện Viện Y học dân tộc Tuệ Tĩnh trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Sắt dùng cho xây dựng nhà ga tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông rơi xuống dòng người đang lưu thông khiến một người chết tại chỗ, một người bị thương phải đi cấp cứu, 3 chiếc xe máy bị đè nát.

Những tai nạn ghê người khiến cho dư luận phản ứng: Việc quản lý an toàn lao động ra sao mà để nhiều vụ việc xảy ra gây thiệt hại về người và của, và khá nhiều trường hợp trong số đó hoàn toàn có thể tránh được nếu chủ động phòng ngừa?

Truy tìm nguyên nhân

Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động chiếm 54,1%, cụ thể: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động, tổ chức lao động có vấn đề, thậm chí còn tiết giảm chi phí dành cho an toàn lao động, sử dụng thiết bị cũ, không bảo đảm an toàn, che chắn không đảm bảo yêu cầu,...

Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 24,6% như: Người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Còn lại 21,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

Điều đáng quan ngại là, nguy cơ mất an toàn không chỉ dừng bên trong những công trường lao động mà còn lan rộng ra khu vực xung quanh, gây bất ổn cho cộng đồng. Nhiều tai nạn do thi công tại các công trường đã bất ngờ xảy ra, rơi vào những người đang tham gia giao thông trên đường hay thậm chí những người dân đang ăn, đang ngủ ngay trong ngôi nhà của mình.  Từ thực tế đáng báo động đó, chứng tỏ đang có nhiều lỗ hổng trong công tác an toàn lao động. Vấn đề đặt ra từ vụ tai nạn này là cần phải có chế tài mạnh đối với các nhà thầu thi công ẩu, không bảo đảm sự an toàn cần thiết.

Trong quá trình thi công, việc giám sát, kiểm tra an toàn lao động chưa được thực hiện thường xuyên. Tại nhiều địa phương, cán bộ làm công tác an toàn lao động rất thiếu. Việc đánh giá toàn diện các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra và đề ra các giải pháp phòng ngừa trong các điều kiện khác nhau chưa được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc. Đây là nguyên nhân đã gây ra nhiều tai nạn như sập cần cẩu, sập giàn giáo, rơi vật liệu… gây thương vong cho người lao động và người dân sống ở vùng lân cận.

 Ngày 7/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có công văn  đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi làm việc nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, nơi đông người; đặc biệt tập trung chú ý các công trình xây dựng  tiếp giáp với các khu đông dân cư, các đường giao thông đông người đi lại, các mỏ khai thác đá, nơi làm việc có yếu tố độc hại. Yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ ngay hoạt động và tiến hành khắc phục đối với những nơi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành. 

Các tin khác