Quảng Nam

Hệ lụy từ các dự án “xí phần”

Tại hầu hết các xã ven biển của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) - nơi được xem là vùng đất vàng cho các dự án đầu tư BĐS du lịch và khu đô thị - đang có nhiều hộ dân khốn đốn nhiều năm.

Tại hầu hết các xã ven biển của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) - nơi được xem là vùng đất vàng cho các dự án đầu tư BĐS du lịch và khu đô thị - đang có nhiều hộ dân khốn đốn nhiều năm.

14 năm chưa thoát “treo”

Người dân không tu sửa hay xây được nhà mới được vì chủ đầu tư đăng ký dự án chỉ để giành đất, chờ thời cơ trục lợi. Tại xã Điện Ngọc, hơn 400 hộ dân ở các thôn Ngọc Vinh, Tứ Hà, Câu Hà và Tứ Ngân nằm trong vùng quy hoạch của dự án Làng Đại học Đà Nẵng rất bức xúc vì đã chịu cảnh quy hoạch “treo” suốt từ năm 1997 đến nay. 14 năm ròng rã, người dân ngóng đợi dự án triển khai nhưng vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. 190ha đất tại đây không được mua bán, chuyển nhượng; nhà nào cũng xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa, xây dựng lại.

Bà Nguyễn Thị Chín ở thôn Tứ Hà, nóng ruột: “Làm thì làm nhanh, còn không thì bỏ cho dân nhờ, chứ cứ “treo” 14 năm trời, làm sao dân sống cho được. Ở đây, nhà nào cũng có con đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đất không thể chia, nhà bị cấm xây, chẳng lẽ tụi nhỏ cưới nhau rồi ra gầm cầu sống?”.  Được biết, xã Điện Ngọc hiện có đến 33 dự án với trên 1.000ha nằm trong vùng quy hoạch. 11/13 thôn với hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hầu hết dự án đều chậm triển khai hoặc đang “treo”.

Tại xã Điện Dương, người dân cũng phải kêu ca rất nhiều vì nạn quy hoạch “treo”. Ông Lê Quốc Tánh, ở thôn Hà My Đông A, kể: “Cả gia đình tôi có 7 người, nhưng phải chen chúc trong căn nhà chưa đầy 30m2, rất khổ sở, bất tiện. Nào phải tôi không có đất, không có điều kiện để sửa chữa nhà, khổ nỗi đất nằm trong khu quy hoạch dự án sân golf của Công ty Sài Thành, nhưng từ năm 2004 đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án, cứ “ngâm” từ năm này qua năm khác, không chịu đền bù giải tỏa, nên người dân đi không được, ở không xong”. Ông Đinh Văn Tới, Phó thôn Hà My Đông A, cho biết toàn thôn có 447 hộ dân với diện tích 220ha, hầu hết đều nằêm trong diện quy hoạch. Thế nhưng tất cả dự án chưa triển khai gì cả.

Trong những dịp đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị sớm có hướng giải quyết tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi. Ngay gia đình ông Tới, dù đang sở hữu đến 2.270m2 đất ở nhưng vẫn phải sống trong căn nhà dột nát từ nhiều năm nay, bởi nằm trong vùng quy hoạch dự án của Công ty Kim Vinh - Quyết Thắng. Ông Tới than: “Nhà nằm gần biển, đến mùa mưa bão, vợ chồng con, cái phải chạy tứ tán tìm nơi trú ẩn vì không dám ở trong căn nhà đã xiêu vẹo. Vừa rồi tôi làm đơn xin sửa chữa nhà, nhưng lãnh đạo xã bảo cán bộ thôn phải làm gương, không được xây dựng, sửa chữa trong vùng đã quy hoạch, nên đành tiếp tục chịu cảnh sống trong lo âu. Vừa rồi, thằng con trai lấy vợ, tôi muốn cho nó miếng đất để xây nhà ra ở riêng cũng không được”.

Đáng thương nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Còn (72 tuổi, vợ liệt sĩ) đang phải sống trong căn nhà thấp lè tè, dột nát. Bà Còn được xây tặng căn nhà tình nghĩa trên một cồn cát đã gần 10 năm nay. Nay nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, bà nhờ người làm đơn xin sửa nhà để chống chọi với mưa bão. Thế nhưng cũng như các hộ dân khác ở địa phương, bà Còn cũng chỉ nhận được câu trả lời là không được sửa chữa do nằm trong vùng đã quy hoạch.

 “Treo” chồng lên “treo”

Bà Nguyễn Thị Còn đang phải sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa vì nằm trong khu vực của dự án quy hoạch "treo". Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Bà Nguyễn Thị Còn đang phải sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng
không được sửa chữa vì nằm trong khu vực của dự án quy hoạch "treo". Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Ông Đinh Hùng Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương, cho biết trên địa bàn xã này có đến 25 dự án, với tổng cộng hơn 900ha. Thế nhưng đến nay mới có 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; các dự án còn lại chỉ triển khai theo kiểu nhỏ giọt hoặc “treo” dài dài. Đến nay, dự án của Công ty Hải Long (cấp phép năm 2003), Công ty Sài Thành (cấp phép năm 2004) vẫn “án binh bất động”.

Điều đáng nói là vị trí đất quy hoạch của dự án trước đây đã cấp phép cho các doanh nghiệp khác, nhưng vì “treo” nên bị thu hồi và cấp mới lại. Điển hình là dự án Bình Thiên An có diện tích 160ha, sau khi được cấp phép đã không triển khai nên tỉnh thu hồi, giao cho đơn vị khác là Công ty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An, nhưng rồi hơn năm nay đơn vị này cũng không chịu triển khai. Tình trạng “treo” chồng lên “treo” đang diễn ra khắp xã này. Ông Liên bức xúc: “Khi cấp phép, tỉnh cần thẩm định khả năng tài chính cũng như năng lực thực hiện của các chủ đầu tư. Không thể doanh nghiệp nào xin cấp phép cũng sẵn sàng cho, để rồi người dân phải chịu cảnh sống trong quy hoạch “treo” kéo dài.

Ông Võ Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, thừa nhận: “Dân ở xã tôi mỗi ngày một đông, nhu cầu nhà ở tăng theo. Vì thế, với nhiều hộ có nhu cầu ở thực sự bức bách chúng tôi đành làm ngơ để họ xây dựng nhà trong vùng đã quy hoạch, vì nếu không cho, họ không biết ở đâu”.

Cũng cần nhắc lại “siêu dự án” Bãi Biển Rồng nằm trên địa bàn xã Điện Dương, huyện Điện Bàn đã từng gây sốc cho giới đầu tư bởi quy mô nguồn vốn lên đến 4,15 tỷ USD do Công ty TNHH Tập đoàn Bãi Biển Rồng làm chủ đầu tư. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm cấp phép, đến cuối năm 2010, dự án đã bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép vì chậm triển khai. Với động thái này, người dân nằm trong vùng dự án rất hoan nghênh sự kiên quyết của tỉnh.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao với những dự án quy mô chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Bãi Biển Rồng, tỉnh Quảng Nam lại thiếu kiên quyết xử lý. Người dân nằm trong vùng quy hoạch "treo" đang rất cần sự kiên quyết của tỉnh đối với những dự án chậm triển khai để thoát khỏi cuộc sống khốn khó hiện nay.

Các tin khác