Lật lại hồ sơ những dự án ngàn tỷ (K1)

Happyland – công trình 2 tỷ USD

Khủng hoảng kinh tế cùng với việc thị trường BĐS “đóng băng” đã làm nhiều dự án “khủng” với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phải dừng lại là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận yếu tố chủ quan là các chủ đầu tư đã kỳ vọng quá tầm với của mình trên dòng vốn của người khác. Hệ quả là những đại dự án hiện nay thi công cầm chừng hoặc phải tạm ngưng. Cách nào để tháo gỡ bế tắc?

Khủng hoảng kinh tế cùng với việc thị trường BĐS “đóng băng” đã làm nhiều dự án “khủng” với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phải dừng lại là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận yếu tố chủ quan là các chủ đầu tư đã kỳ vọng quá tầm với của mình trên dòng vốn của người khác. Hệ quả là những đại dự án hiện nay thi công cầm chừng hoặc phải tạm ngưng. Cách nào để tháo gỡ bế tắc?

Kỳ vọng xứ sở hạnh phúc

Ngày 14-2-2011, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (công ty con của Tập đoàn Khang Thông) khởi động khu phức hợp giải trí Happyland rộng 688ha, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô giai đoạn 1 của dự án (DA) 338ha, giai đoạn 2 350ha.

Trong tổng thể DA, Khang Thông đầu tư khoảng 600 triệu USD xây dựng công viên chủ đề 100ha. Các hạng mục còn lại chủ yếu kêu gọi các đối tác lớn trong và ngoài nước đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý II-2014 (sau 4 năm thi công). Nhưng đến nay công trình hầu như “án binh bất động”.

Công trình cổng chào của dự án Happyland vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: MINH TUẤN

Công trình cổng chào của dự án Happyland vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: MINH TUẤN

Happyland được Khang Thông đặt tên là “xứ sở hạnh phúc”, bởi được quy hoạch xây dựng thành một quần thể phức hợp du lịch - thương mại - dịch vụ. Các công trình giải trí kết hợp giữa các yếu tố truyền thống Việt Nam và những nét hiện đại của các công viên nổi tiếng thế giới như Disneyland, Universal Studio...

Theo chủ đầu tư, hàng trăm công trình giải trí hiện đại ở công viên như trung tâm thương mại, công viên nước, công viên phim trường, vũ trường, sân khấu trong và ngoài trời, nhà hàng, chợ nổi, trung tâm văn hóa Việt Nam, bảo tàng nghệ thuật, khách sạn tiêu chuẩn 7 sao, khu đô thị liền kề... sẽ là “xứ sở hạnh phúc” cho tất cả mọi người. Với tầm cỡ của nó, Happyland được đánh giá là khu vui chơi giải trí số 1 tại Đông Nam Á.

Để thực hiện tham vọng này, Khang Thông mời một số công ty tư vấn hàng đầu thế giới hợp tác, như Steelman Partners (đảm nhận khâu thiết kế), Savills (lập nghiên cứu tiền khả thi), Hill International (cung cấp dịch vụ quản lý), Tishman Contruction (tổng thầu thi công)…

Về nguồn vốn thực hiện, trong các buổi công bố và xúc tiến đầu tư vào DA, Khang Thông cho biết được huy động từ các ngân hàng như BIDV, Agribank, Ocean Bank, Quỹ đầu tư Westwood Capital và nhiều đối tác nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Hồng Công, Singapore, Nga, Đức… Như vậy, có thể thấy khâu chuẩn bị và nhập cuộc của chủ đầu tư khá tốt.

Tuy nhiên, DA Happyland được triển khai trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi và rủi ro tiềm ẩn. Khó khăn trước hết là việc kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư ngoại. Từ khi khởi công Happyland đến nay, Khang Thông thường xuyên tổ chức họp báo công bố việc ký biên bản ghi nhớ hoặc hợp tác đầu tư với nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới.

Nhưng kết quả đạt được không như ý muốn, tiến trình giải ngân vốn của nhà đầu tư rất chậm hoặc rút lui sau khi tìm hiểu kỹ. Điển hình là trường hợp của ông Joseph Walter Jackson, cha của ca sĩ Michael Jackson. Ông được biết đến với tư cách là nhà đầu tư tiểu DA khách sạn 5 sao 1.000 phòng.

Nhưng khi thông tin ông Joseph rút lui, dư luận mới biết nhà đầu tư này chỉ là môi giới, làm nhiệm vụ quảng bá và không bỏ một xu nào vào DA. Động thái thận trọng của nhà đầu tư cũng cho thấy: khúc xương BĐS du lịch Việt Nam rất khó “nhằn” trong bối cảnh khó khăn chung.

Vì thế, việc Happyland kỳ vọng thu hút 14 triệu lượt khách mỗi năm khi đi vào hoạt động rõ ràng là một sự lạc quan quá đà.

Cạn vốn

Phải thừa nhận khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường những năm qua đang khiến hầu hết doanh nghiệp lao đao. Nhưng qua đó có thể đánh giá được thực lực, bản lĩnh và khả năng vượt thoát khủng hoảng của chủ doanh nghiệp. Với Happyland, nguyên nhân khiến các hạng mục công trình không thể triển khai đúng tiến độ là tiềm lực tài chính yếu, cộng thêm khó khăn kêu gọi đầu tư gặp trở ngại.

Thí dụ, mới đây thông tin Khang Thông có công văn gửi các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang về việc hoàn trả DA khu công nghiệp Bình Đông (212ha) khiến dư luận xôn xao về việc có hay không tập đoàn này đã cạn vốn. Trong khi đó, đầu tháng 1-2013, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã rút giấy chứng nhận đầu tư DA này vì lý do chậm triển khai.

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Giám đốc truyền thông Happyland, cho biết: “Kế hoạch tháng 6-2013 Happyland mở cửa đón khách phải dời lại cuối năm do các hạng mục công trình chưa sẵn sàng.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm cuối năm sẽ đưa vào khai thác hạng mục khu văn hóa, khu khinh khí cầu, khu vui chơi trẻ em, công viên nước… trên diện tích hơn 50ha. Hiện nay chúng tôi đang kêu gọi các đối tác đầu tư tất cả các hạng mục công trình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), đặc biệt là Khu văn hóa Việt Nam.

Cũng theo ông Việt, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế và thị trường BĐS, Happyland cũng như nhiều DA BĐS khác của Khang Thông gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, một số hạng mục của Happyland vẫn được Khang Thông triển khai. Trong đó hạng mục quan trọng là hoàn thành xây dựng hơn 70% bờ kè và đường bộ dọc theo sông Vàm Cỏ dài 3,7km, khu kinh khí cầu…

Những ngày này, đi trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ thấy rõ sự đối lập giữa không khí làm việc rình rang hơn 1 năm về trước so với quang cảnh đìu hiu, hoang vắng bao trùm DA Happyland hiện nay. Công trường ngổn ngang dang dở, vắng bóng máy móc và công nhân làm việc.

Thực tế này khiến nhiều người thắc mắc: không biết 10.000 lao động trở về sau sự cố từ Lybia đầu năm 2011 mà Khang Thông hứa sẽ nhận toàn bộ vào làm việc tại Happyland, đang đi đâu về đâu hay đó chỉ là lời hứa suông.

Một chủ nhà trọ gần DA Happyland, than thở: Lúc trước người lao động dưới quê kéo lên đây làm việc đông, chúng tôi xây nhà trọ không kịp cho họ ở. Được thời gian ngắn, nhiều gia đình không có tiền trả nhà trọ do nhà thầu nợ lương. Có người phải bán tivi, quạt máy… cầm cự sống qua ngày, sau đó kéo nhau về quê, nhà trọ của chúng tôi phải bỏ trống. 

Các tin khác