Hàng loạt ‘ốc đảo’ nằm đợi cầu

(ĐTTCO)-Với một đô thị lớn nhất nước như TP.HCM, việc xây dựng thêm nhiều cây cầu không đến nỗi không làm được. Nhưng có một thực trạng là nơi cần thì không xây, nơi chưa cần thì đã vội xây.

(ĐTTCO)-Với một đô thị lớn nhất nước như TP.HCM, việc xây dựng thêm nhiều cây cầu không đến nỗi không làm được. Nhưng có một thực trạng là nơi cần thì không xây, nơi chưa cần thì đã vội xây.

 

Là người có kinh nghiệm làm quy hoạch, nhất là tại Q.4 và Q.7, kiến trúc sư (KTS) Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho rằng chuyện kẹt xe nghiêm trọng tại các đường nối từ trung tâm TP với khu nam Sài Gòn là do lãnh đạo TP đã quá thiếu tầm nhìn trong lúc quy hoạch mở các tuyến đường về Q.7, khiến các đô thị nơi đây bây giờ giống như ốc đảo.

Thiếu tầm nhìn hay không muốn làm?

Theo KTS Doãn, thực ra việc xây cầu nối Q.4 với Q.7 không tốn nhiều tiền đến nỗi TP không có. Thậm chí, cách đây 1 - 2 năm, TP còn sáng kiến xây hàng loạt cầu vượt thép tại ngã tư, vòng xoay để giải quyết kẹt xe, thì chuyện xây cầu qua kênh đâu là gì. Vấn đề là muốn làm hay không.

Còn nếu nói rằng sợ giải tỏa mặt bằng khi làm cầu lớn thì theo ông Doãn, TP có thể làm nhiều cây cầu nhỏ bắc qua kênh Tẻ. Chưa kể, các tuyến đường đã có sẵn, chỉ cần phóng cầu qua thôi. Mở bản đồ quy hoạch chung Q.7 và Q.4 ra đối chiếu thì sẽ thấy ngay các tuyến đường chỉ cần một cây cầu là nối thông nhau. Còn các bến thủy, chợ ven đường ven hai bên kênh quy mô “bé tí” không cần phải giữ, nên dời để lấy mặt bằng xây cầu, không tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng.

Còn theo KTS Nguyễn Văn Thắng (một KTS độc lập), trong lúc chờ xây dựng thêm cầu, đường, một giải pháp trước mắt tại điểm nóng về kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ là có thể lấy phần đất hai bên đường hiện đang trồng cỏ, cây cối để làm làn đường cho xe 2 bánh, toàn bộ phần đường hiện nay dành cho 2 làn xe ô tô.

Đừng quá lệ thuộc nhà đầu tư

Tại sao khu vực phía đông TP dân cư rất ít hơn phía nam mà được đầu tư xây hầm, làm nhiều cầu? Trong khi phía nam là nơi thực hiện chủ trương tiến ra biển với khu đô thị cảng Hiệp Phước... mà bị lãng quên về hạ tầng?

KTS Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM

Một lãnh đạo Phòng Quản lý công trình xây dựng thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết số lượng dự án cầu bắc qua các tuyến sông, rạch, kênh trên địa bàn TP rất nhiều nhưng về số lượng phải dựa trên cơ sở quy hoạch đường, đến khi lập dự án cụ thể mới xác định được. Với tuyến Kênh Tẻ ngăn Q.4 và Q.7, chắc chắn TP sẽ bổ sung thêm cầu vì số lượng cầu hiện nay rất ít khiến giao thông tiếp cận rất khó khăn.

Ngoài Q.4 và Q.7, trên địa bàn TP còn rất nhiều khu vực dân cư phát triển ồ ạt, hoặc các “ốc đảo” bị cô lập không thể phát triển do thiếu cầu như khu vực bán đảo Thanh Đa, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, sông Vàm Thuật (giáp ranh các quận Tân Bình, 12, Gò Vấp)...

Một cán bộ phòng quản lý công trình xây dựng thuộc Sở GTVT thừa nhận đang thiếu rất nhiều cầu tại các khu vực trên. Như tại bán đảo Thanh Đa, trong quy hoạch đã xác định sẽ xây 4 cầu nối với đất liền vì đây sẽ là khu đô thị kiểu mẫu, nhưng mãi đến nay chỉ có một cầu Kinh.

Sở GTVT đã nghiên cứu và xác định được 4 vị trí các cầu nối với quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuy nhiên, cụ thể còn tùy thuộc nhà đầu tư khai thác quỹ đất tại Thanh Đa đề xuất làm cầu nào trước, cầu nào sau theo nhu cầu phát triển đô thị.

Tại tuyến sông Vàm Thuật ngăn Q.12 với Q.Gò Vấp, hiện người dân đi lại rất khổ sở vì thiếu cầu. Sở GTVT đã yêu cầu UBND quận Gò Vấp, 12 đưa vào đồ án quy hoạch xây dựng thêm các cầu qua sông. Vì thực tế khu vực này dân cư rất đông, ùn tắc giao thông thường xuyên và người dân phải di chuyển bằng phà rất bất tiện. Dự án xây cầu đã có nhà đầu tư nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa ra được phương án tài chính.

Một dự án khác rất quan trọng trong giải tỏa áp lực giao thông phía nam và tây nam TP là dự án cầu đường Bình Tiên, nhưng đến nay TP vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. Theo Sở GTVT, thời gian qua cũng có nhà đầu tư quan tâm nhưng phương án tài chính chưa phù hợp. Dự án cầu đường Bình Tiên sẽ giúp kết nối giao thông từ Q.6 qua Q.8 sang H.Bình Chánh, thông ra đường Nguyễn Văn Linh và có thể nối ra QL50 đi các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, cầu đường Bình Tiên còn giúp giảm tải cầu Chà Và nối Q.5 sang Q.8.

Theo chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh, dù TP thu ngân sách hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm nhưng kinh phí để đầu tư cho hạ tầng vẫn như “muối bỏ bể” vì tốc độ đô thị hóa và dân cư tăng quá nhanh. Vì vậy, TP mới kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo dạng BOT, BT… Tuy nhiên, “cái dở” của TP là ở khâu thẩm định, tức phải biết chọn những vị trí cần thiết để xây cầu chứ không nên quá lệ thuộc vào ý muốn nhà đầu tư. Nhiều dự án xây cầu địa điểm do nhà đầu tư quyết định nhằm có lợi cho dự án bất động sản của họ, chứ dân cư đi lại rất ít, gây lãng phí.

Nơi cần không xây, nơi chưa cần đã vội xây

Vấn đề rộng hơn là không chỉ thiếu cầu mà còn có sự khập khiễng, mất cân đối trong việc phân bổ đầu tư xây dựng cầu, đường. KTS Đặng Vũ Doãn đặt vấn đề: “Tại sao khu vực phía đông TP dân cư rất ít hơn phía nam mà được đầu tư xây hầm, làm nhiều cầu? Trong khi phía nam là nơi thực hiện chủ trương tiến ra biển với khu đô thị cảng Hiệp Phước... mà bị lãng quên về hạ tầng?”. Còn theo TS Phạm Sanh, lãnh đạo Sở GTVT, UBND TP cần phải có tầm nhìn để dự báo được lưu lượng xe. Phải biết những trục nào sẽ là trục đường chính rồi mới đón đầu mở rộng đường, làm cầu, chứ như hiện nay toàn đi sau, kẹt xe đâu làm đó, hoặc chạy theo nhà đầu tư.

Một chuyên gia giao thông khác xin không nêu tên, cho rằng trách nhiệm của người quản lý nhà nước là phải cân đong đo đếm thế nào cho hợp lý. Chỗ nào cần đầu tư thì tập trung vốn đầu tư. Chỗ nào chưa cần thì hoãn lại. Chẳng hạn, hiện nay cầu Thủ Thiêm 1 vẫn còn trống trải, đã vội đi làm cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, trong khi rất nhiều cầu, đường khu nam đang quá tải lại thiếu vốn. Rất nhiều dự án khác cũng vậy, tiền ít nhưng cứ quy hoạch thật khủng, trong khi cái cần làm trước mắt thì chưa làm được, rồi than thiếu tiền.

Các tin khác