Hạ tầng TPHCM: Thay áo mới bằng cơ chế đặc thù

(ĐTTCO) - Theo ước tính, trong giai đoạn 2016-2021, TPHCM cần khoảng 500.000 tỷ đồng (hơn 23 tỷ USD) để đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị. Theo các chuyên gia kinh tế lẫn các cấp chính quyền TP, Trung ương cần cho TP một cơ chế đặc thù riêng, đồng thời chủ động đưa ra các kênh thu hút vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội, mới mong hoàn thành mục tiêu đề ra.

(ĐTTCO) - Theo ước tính, trong giai đoạn 2016-2021, TPHCM cần khoảng 500.000 tỷ đồng (hơn 23 tỷ USD) để đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị. Theo các chuyên gia kinh tế lẫn các cấp chính quyền TP, Trung ương cần cho TP một cơ chế đặc thù riêng, đồng thời chủ động đưa ra các kênh thu hút vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội, mới mong hoàn thành mục tiêu đề ra.

Loay hoay trong khuôn khổ

Nói về thực trạng khó khăn thu hút vốn đầu tư dẫn tới các dự án hạ tầng đô thị hiệu quả không cao, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết hệ thống tàu điện ngầm được xem là hạ tầng giao thông hiện đại nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng hết sức quan trọng vì không siêu đô thị nào giải quyết được tắc nghẽn giao thông và trở nên phát triển lại thiếu vắng hệ thống vận tải hành khách công cộng công suất lớn hiệu quả.  

Nếu Trung ương không tạo cho TP một chiếc áo cơ chế và chính sách đặc thù phù hợp với tầm vóc và yêu cầu phát triển, mà TP phải tự loay hoay trong một khuôn khổ chung đã trở nên quá chật chội, chắc chắn tất cả giải pháp đưa ra đều trở nên vô nghĩa.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Thế nhưng, hiện TP đang phải liệu cơm gắp mắm và không biết khi nào có thể xây dựng xong dự án này. Đáng nói là khả năng kết nối cả hệ thống này sẽ ra sao khi mỗi nhà tài trợ mỗi đoạn theo công nghệ khác nhau? “Được biết, hiện chi phí cần thiết để hoàn thiện hệ thống nếu dựa vào vốn ODA khoảng 20 tỷ USD (thường đắt hơn khoảng 1/3 so với tiền ngân sách bỏ ra). Do đó, khả năng xây dựng cả hệ thống tàu điện ngầm nếu chỉ trông chờ vào vốn ODA hay mô hình hợp tác công tư là không cao, vì chưa nơi nào trên thế giới làm được” - TS. Du thẳng thắn trao đổi.

 Còn theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng Khoa tài chính ngân hàng (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế 1%/năm, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng phải đạt 2%/năm. Tuy nhiên, TP lại đưa ra tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm tới chỉ tăng hơn 3,3%. Như vậy nếu so với vốn tăng trưởng kinh tế trên 6%, điều này đồng nghĩa không đáp ứng cho việc mở rộng xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Điều này cũng lý giải cho việc thu hút vốn đầu tư quá khó khăn khi TP chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn như trên. Mặt khác, hiện quỹ đất đô thị bị thất thoát quá nhiều, đang gây lãng phí lớn. Đây cũng là nghịch lý dẫn tới việc đầu tư và xây dựng hạ tầng đô thị thiếu hợp lý và chưa phát huy được tối đa nguồn lực đang có.

Tương tự, đại diện Sở Tài chính TPHCM cho rằng các phương thức huy động vốn thời gian qua chủ yếu theo truyền thống thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, hoặc đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức BT, BOT, BTO, hợp tác công tư… Thế nhưng, các hình thức đầu tư này không còn hấp dẫn với nhà đầu tư do quỹ đất của TP ngày càng hạn hẹp. Bên cạnh đó, các khoản phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hầu hết tập trung trong kỳ hạn 3-5 năm, nên tạo áp lực trả nợ của ngân sách trong ngắn hạn và cũng chưa đáp ứng được nguồn tài trợ dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Việc huy động vào nguồn vay nợ cũng không phải là giải pháp cơ bản và lâu dài. Về mặt quản lý điều hành, Sở Tài chính cho hay TP vừa phải đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư cho các dự án, công trình lớn không ngừng tăng lên nhằm nuôi dưỡng nguồn thu trước mắt và lâu dài, nhưng lại không có cơ chế tăng cường nguồn lực ngân sách cũng như khả năng chủ động của TP trong huy động vốn. Việc này đã trực tiếp ảnh hưởng đến huy động vốn cũng như sử dụng nguồn vốn trong các dự án hạ tầng đô thị.

Để hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, TPHCM cần huy động nguồn vốn khủng. Ảnh: LONG THANH

Để hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị,
TPHCM cần huy động nguồn vốn khủng. Ảnh: LONG THANH

Cần cơ chế đặc thù

Để thu hút nguồn vốn thời gian tới, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng trước hết cần phải xã hội hóa, dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Trong đó, phương thức hợp tác công - tư được xem là chìa khóa gỡ nút thắt. Tuy nhiên, để hình thức này phát huy hiệu quả, cần kiến nghị Trung ương sớm tiến hành luật hóa để đảm bảo khung pháp lý thuận lợi, trong đó quy trách nhiệm cụ thể đối với toàn bộ các bên liên quan. Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa tài chính (Đại học Kinh tế TPHCM), thời gian tới TP cần kiên trì kiến nghị Trung ương cho cơ chế tài chính đặc thù để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm, bởi theo luật ngân sách, cơ chế của TP hiện chỉ tương tự như các địa phương khác trên cả nước, trong khi tiềm năng và lợi thế phát triển của TP còn rất lớn.

Th.S Bùi Quỳnh Nhi, Phó trưởng Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính TP), cho hay trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế và khung chính sách chưa được quy định cụ thể, TP đang mạnh dạn triển khai một số phương thức huy động vốn đầu tư mới như BT, BOO… Đồng thời, hình thành một định chế tài chính mới chuyên để đầu tư hạ tầng; thực hiện chuyển nhượng quyền thu phí giao thông; huy động nguồn lực xã hội thông qua chương trình kích cầu đầu tư, chương trình vay vốn đầu tư xây dựng trường mầm non công lập… Có thể nói, TP đang là địa phương đi đầu trong việc thí điểm mô hình “đổi đất lấy hạ tầng”, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư. “Tiêu biểu là việc TPHCM đề xuất Trung ương cho thành lập một định chế tài chính của Nhà nước có chức năng huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào hạ tầng đô thị” - Th.S Bùi Quỳnh Nhi nêu rõ.

Theo thống kê của Sở Tài chính TP, trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần gần 216.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án đầu tư trung hạn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách TP dự kiến cân đối bố trí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này gần 130.000 tỷ đồng, tăng 1,45% so với giai đoạn 2011-2015. Chỉ tính riêng chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trọng tâm khoảng 315.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP 38.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 80.000 tỷ đồng, vốn ODA 72.000 tỷ đồng và cần kêu gọi đầu tư khoảng 125.000 tỷ đồng.

Các tin khác