Hà Nội xử lý dứt điểm nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ và kết quả thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ và kết quả thực hiện.

Sở Xây dựng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã; tổng hợp, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thành phố ra hạn “chót” cho các địa phương là trong quý 3 này phải tập trung hoàn thành xử lý dứt điểm tất cả các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn.

Đối với trường hợp diện tích đất còn lại không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình, chủ sử dụng đất không thực hiện hợp thửa đất, hợp khối xây dựng hoặc khai thác theo quy hoạch, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng đất vào mục đích công cộng (không sử dụng làm vỉa hè, cây xanh); ban hành quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức cân đối, bố trí vốn thực hiện dự án.

Thành phố giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, tỷ lệ 1/500 theo thẩm quyền. Trường hợp cần ý kiến tham vấn của Sở Quy hoạch Kiến trúc phải có văn bản tham vấn trong thời hạn 7 ngày làm việc.

Theo đó, các quận, huyện cũng phải chủ động cân đối bố trí nguồn vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khi tiến hành thu hồi đất; trường hợp có khó khăn về nguồn vốn cần xác định tổng mức đầu tư, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng Bảy này.

Theo báo cáo của 13 quận, huyện có công trình, thửa đất có kích thước hình học không phù hợp (hay còn gọi là "siêu mỏng, siêu méo"), đến hết tháng Ba năm nay, đã xử lý được 389/597 trường hợp, trong đó có hai huyện là Gia Lâm và Thanh Trì đã hoàn thành việc xử lý các trường hợp này. Còn lại 208 trường hợp trên địa bàn 9 quận, huyện đang tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, quận Ba Đình còn 69 trường hợp đã phân loại xử lý, trong đó thu hồi 34 trường hợp; quận Đống Đa còn 27 trường hợp phải thu hồi; quận Hai Bà Trưng còn 19 trường hợp, trong đó 11 trường hợp đang thỏa thuận hợp khối, 8 trường hợp lên phương án thu hồi; quận Tây Hồ có 23 trường hợp đã lên phương án thu hồi; quận Hà Đông có 34 trường hợp, hiện đã lập thành 20 dự án…

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” về cơ bản đã được thống nhất, đủ điều kiện để các quận, huyện tổ chức thực hiện, nhưng thực tế công tác xử lý loại nhà này tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, một số nơi các cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.

Đại diện lãnh đạo quận Ba Đình cho biết rất khó để người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối do nhiều trường hợp đều nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao theo giá thị trường. Hay việc áp dụng chính sách cơ chế thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng không được các hộ dân đồng thuận. Một số trường hợp khi thu hồi đất còn vướng cơ chế tài chính như giá thuê, thời gian cho thuê và thủ tục đấu thầu… Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo.”

Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thu hồi đất, lập dự án là ngoài quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, các quận huyện phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan như dự án đầu tư được duyệt; phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thẩm định (bao gồm cả kinh phí, quỹ nhà đất tái định cư, tạm cư); trích đo địa chính hoặc bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 (hoặc 1/2000) do đơn vị có tư cách pháp nhân lập.

Các tin khác