Hà Nội - Đô thị ngột ngạt

Áp lực về dân số, hạ tầng, hệ thống giao thông đang khiến Hà Nội trở thành một đô thị ngột ngạt bậc nhất. Trong khi đó, diện tích dành cho không gian công cộng, vườn hoa, công viên đang bị "xà xẻ” một cách không thương tiếc.

Áp lực về dân số, hạ tầng, hệ thống giao thông đang khiến Hà Nội trở thành một đô thị ngột ngạt bậc nhất. Trong khi đó, diện tích dành cho không gian công cộng, vườn hoa, công viên đang bị "xà xẻ” một cách không thương tiếc.

Đưa ra những thí dụ về những khoảng không đô thị gần như đã bị lấy hết đất để dành cho diện tích công cộng, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng tình trạng này ở Hà Nội ngày một tệ.

“Thí dụ ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, với 17.000 người nhưng chỉ có 30m2 sân chơi, một tỷ lệ rất nghẹt thở. Thậm chí khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tại TPHCM, dù được coi là khu đô thị kiểu mẫu, được thiết kế phục vụ an sinh của cộng đồng, nhưng trong thực tế khu vui chơi của trẻ em vẫn thường bị bỏ quên trong dự án. Một thực tế đáng buồn nữa là những khu đô thị cũ trước đây diện tích đất dành cho vườn hoa, công viên, sân chơi được quy hoạch rất rõ ràng nay cũng đã bị lấn chiếm hết” - ông Chính nhấn mạnh.

Tương tự như phường Trung Phụng, ở các quận nội thành Hà Nội, việc nhiều khu dân cư không có công viên đã trở nên quá quen thuộc. Phường Văn Chương (quận Đống Đa) chỉ có 3 sân chơi cho hơn 18.000 dân, trong đó diện tích sân lớn nhất khoảng 500m2; phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) có một sân chơi khoảng 1.000m2  cho gần 20.000 dân; khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có diện tích giữa các tòa nhà cao tầng được xây dựng cho người dân đi qua chứ không phải vườn hoa, sân chơi…

Nhiều chuyên gia đô thị cũng khẳng định trong khu vực nội thành, các công viên và vườn hoa chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Thậm chí từ các con số hiện trạng công viên/vườn hoa của Báo cáo thuyết minh cho Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch cây xanh Hà Nội), với diện tích bình quân 2,43m2 /người cho dân số 1,8 triệu của năm 2030, diện tích công viên/vườn hoa trung bình cho dân số 2,1 triệu hiện nay trong các quận nội thành chỉ 2,08m2 /người. Đặc biệt, quận Thanh Xuân được coi là không có công viên/vườn hoa khi tỷ lệ này là 0%. Còn theo nguồn số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội (HAIDEP), diện tích công viên/vườn hoa của Hà Nội còn thê thảm hơn, bình quân chỉ 0,9m2 /người.

Trên thực tế, đất dành cho khoảng không gian công cộng là khoảng diện tích dễ dàng bị xà xẻo nhất trong các khu đô thị để dành cho nhà ở hoặc các khu vực dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê. Tình trạng này càng trở nên bi đát ở những khu chung cư tái định cư. Điều này phổ biến đến mức một số dự án BĐS gần đây có diện tích đất dành cho công cộng, vườn hoa công viên cao đã trở thành một “hiện tượng lạ”, thành yếu tố hút khách trên thị trường BĐS.

Không gian xanh ở Hà Nội ngày một ít.

Không gian xanh ở Hà Nội ngày một ít.

Theo KTS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tình trạng này diễn ra mạnh ở Hà Nội có nguyên nhân từ sự xung đột dữ dội trong chức năng sử dụng đất dành cho vườn hoa, công viên, sân chơi. “Diện tích đất công còn lại của TP đang phải có sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công và chính sách bán đấu giá các lô đất công cho tư nhân, giữa việc sử dụng đất các tiện ích công với nhau…”- ông Hải cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng yếu tố then chốt là các nhà lãnh đạo TP nhận thức được tầm quan trọng của không gian công cộng đối với kinh tế và sinh thái đô thị, các nhà làm chính sách phải hiểu biết rõ về không gian công cộng, các nhà quản lý phải đủ tính chuyên nghiệp và các chuyên gia tư vấn quy hoạch và thiết kế phải có tư duy phát triển hỗn hợp, người dân phải có tinh thần làm chủ. “Điều lạ là các nhà kinh doanh BĐS từ lâu đã biết không gian công cộng đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho hàng hóa của họ” - ông Liêm nhấn mạnh.

Các tin khác