Hà Nội bàn giải pháp quản lý chợ cóc, chợ tạm

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, công tác quản lý chợ có thể nói là lĩnh vực khó khăn, phức tạp trên địa bàn đông dân cư như Thủ đô.
 

Trước tình hình quản lý chợ cóc, chợ tạm khó khăn, phức tạp, ngày 13/11, Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp để phát triển, quản lý chợ một cách có quy hoạch, bài bản hơn với sự tham dự của các quận huyện và Ban quản lý các chợ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, công tác quản lý chợ có thể nói là lĩnh vực khó khăn, phức tạp trên địa bàn đông dân cư như Thủ đô.

 Vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân nên việc quản lý hết sức nhạy cảm, đòi hỏi phải kiên trì và bài bản. Do đó, thành phố đặc biệt quan tâm và siết chặt công tác quản lý chợ, nhất là chợ cóc, chợ tạm với mong muốn lĩnh vực này đổi mới và có hiệu quả rõ nét trong tương lai.

 Muốn vậy, đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ các cơ quan truyền thông đến đại bộ phận Nhân Dân. Chính quyền cần thiết lập quản lý tốt hơn vì lợi ích cho người dân, chứ không phải là áp đặt, dùng mệnh lệnh để dẹp bỏ một cách vội vàng, cứng nhắc và thiếu khoa học, trong lúc người dân đang thiếu việc làm.

 Vì vậy, thành phố sẽ tăng cường đầu tư xây dựng nâng cấp chợ; rà soát quy hoạch, chuyển đổi công năng một số chợ theo hướng mở rộng, giải quyết nhiều việc làm, thuận tiện trong mua bán, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ tốt.

 Trước mắt, thành phố kiên quyết dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến quốc lộ, đường huyết mạch, lưu lượng xe lớn, nguy hiểm cho tính mạnh, tài sản của người dân.

 Ngay từ bây giờ các quận huyện lên kế hoạch cụ thể, cũng như đăng ký lộ trình, đề xuất những chợ cần dẹp bỏ hoặc xây mới để thành phố quy hoạch tổng thể.

Theo báo cáo của Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có 426 chợ, trong đó có 160 chợ tại khu vực thành thị (chiếm trên 37%), 266 chợ tại khu vực nông thôn (chiếm trên 62%).

 Theo tiêu chuẩn phân hạng chợ, Hà Nội có 14 chợ hạng một, 68 chợ hạng hai, 309 chợ hạng ba và 35 chợ chưa phân hạng.

 Trong tổng số 426 chợ có 82 chợ kiên cố, 215 chợ bán kiên cố và 129 chợ lán tạm.

 Tổng diện tích tất cả các chợ khoảng 1,76 triệu m2. Trong 3 năm (2011 – 2013), thành phố đã đầu tư xây dựng, cải tạo chợ với tổng kinh phí gần 204 tỷ đồng, nhưng nhiều chợ còn khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tạm bợ, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, cháy nổ…/.

Các tin khác