Hà Nội: 38 dự án nhà ở cao tầng sai phạm quy hoạch

(ĐTTCO) - Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công, bên cạnh đó có khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.

(ĐTTCO) - Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công, bên cạnh đó có khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.

Nhưng kết quả thanh tra ngẫu nhiên 50 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội do Đoàn Thanh tra liên ngành thực hiện có 38 dự án sai phạm về quy hoạch, xây dựng như xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ…

 Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp CapitaLand - Hoàng Thành vẫn được biết đến với cái tên Dự án chung cư cao cấp Mulberry Lane.

Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp CapitaLand - Hoàng Thành vẫn
được biết đến với cái tên Dự án chung cư cao cấp Mulberry Lane.

Trong số 38 dự án sai phạm có 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hoặc còn vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một số chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã tự ý chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư thứ cấp sai quy định.

Hàng loạt dự án sai phạm được Đoàn thanh tra liên ngành thành phố điểm mặt, như: khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 căn hộ lên 1.478 căn hộ. Đến thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này chưa nộp phí xây dựng.

Tại dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình do Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, Đoàn thanh tra liên ngành phát hiện chủ đầu tư tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu PCCC.

Nhiều chủ đầu tư uy tín trên thị trường cũng được điểm mặt như Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân đã tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá.

CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 68 chủ đầu tư dự án khu nhà ở Mễ Trì chưa được nghiệm thu tổng thể PCCC, chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng theo số tiền tạm tính của cục thuế, tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Một số dự án chung cư chung, cao cấp cũng vướng vào các sai phạm như dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, chủ đầu tư - CTCP Hùng Tiến Kim Sơn đã xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng. Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án 88 Láng Hạ.

Dự án Toà nhà chung cư - Trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng đầu tư đã tự ý xây thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về PCCC. CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội tự ý điều chỉnh tăng số lượng căn hộ tại các tầng, xây thêm 1 tầng hầm tại dự án ở Khu đô thị mới Sài Đồng.

Kết quả thanh tra liên ngành cũng cho thấy, hầu hết các dự án được thanh tra đều không thực hiện nghiệm thu về PCCC. Hơn nữa, các sai phạm của doanh nghiệp đều diễn ra công khai, quy mô lớn. Chính quyền cùng các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ giám sát đã không phát hiện và xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng bán đi số căn hộ vi phạm. Trong khi các căn hộ dân đã vào ở không dễ cưỡng chế, chủ đầu tư có thể “hợp pháp hóa” vi phạm để thu lợi.

Để khắc phục các sai phạm nêu trên, Đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã đề xuất UBND TP áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư vi phạm, đặc biệt là những doanh nghiệp nhiều lần chây ì, không thực hiện biện pháp khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra liên ngành cũng kiến nghị, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày UBND TP Hà Nội chỉ đạo phương án xử lý vi phạm, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện, Sở Xây dựng sẽ chủ trì đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư, thu hồi quỹ nhà còn lại phục vụ việc xử lý, không giao đất thực hiện dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, thông báo tên chủ đầu tư vi phạm trên phạm vi cả nước.

Các tin khác