Giải bài toán hạ tầng giao thông

Thời gian qua TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu phát triển, do phương tiện giao thông mới tăng lên quá nhiều.

Thời gian qua TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu phát triển, do phương tiện giao thông mới tăng lên quá nhiều.

Chỉ riêng từ đầu năm 2011 đến nay, TPHCM đã cấp đăng ký mới cho 196.449 xe cơ giới, gồm 15.115 ô tô, 181.334 mô tô, xe máy. Tổng số phương tiện giao thông cơ giới đang được TP quản lý là 5.176.298 chiếc, trong đó có 467.258 ô tô và 4.709.040 mô tô, xe máy.

Ngoài ra còn có hàng chục ngàn lượt phương tiện giao thông từ các tỉnh ra vào TPHCM mỗi ngày cùng với các phương tiện “tạm trú” dài hạn. Tình trạng đó dẫn đến các cửa ngõ ra vào TP và nhiều nơi trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra kẹt xe.

Đặc biệt, ùn tắc thường xuyên xảy ra theo phản ứng dây chuyền, từ một điểm ùn tắc nhanh chóng lan ra nhiều điểm, nhiều khu vực từ nội ô đến các cửa ngõ TP.

UBND TPHCM đã lập kế hoạch giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 theo hướng từng bước hoàn chỉnh, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ không những trong phạm vi địa bàn mà còn kết nối với vùng (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An); phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông...

Ngoài ngân sách nhà nước, TP kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng hàng loạt nút giao thông quan trọng ngã tư Hàng Xanh, bùng binh Cây Gõ, các vòng xoay Dân Chủ - Phú Lâm - An Lạc - Lăng Cha Cả, nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, Quốc lộ 13 nối Bình Dương với ngã tư Hàng Xanh…

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, hình thành và đưa vào sử dụng đường Vành đai số 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, Liên tỉnh lộ 25B và các cây cầu Sài Gòn 2 - Phú Long - Rạch Tra - Bình Khánh, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết: Bên cạnh việc nâng cao tỷ lệ đất dành cho giao thông (đạt 8,18% vào năm 2015, tăng lên 12,2% vào năm 2020), TP sẽ hạn chế việc dừng, đậu xe tràn lan ở lòng đường như hiện nay; cấm mô tô và ô tô trên một số tuyến đường; tổ chức thu phí sử dụng cầu đường đối với xe cá nhân; thu phí đậu xe theo hướng mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm.

TP cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư bãi đậu xe ngầm nhằm giải bài toán về chỗ đậu xe vốn rất nan giải hiện nay. Trong thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh giải quyết ùn tắc giao thông nội thành và tạo sự thông thoáng tại các cửa ngõ ra vào TP để hạn chế thiệt hại cho người dân, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.

Các tin khác