FDI tăng - Mừng ít, lo nhiều

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), thu hút FDI 9 tháng năm 2014 của lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 với 27 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,2 tỷ USD, chiếm 11%. Việc BĐS vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi đây vẫn đang là lĩnh vực bế tắc tại Việt Nam có thể cho thấy nhiều vấn đề.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), thu hút FDI 9 tháng năm 2014 của lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 với 27 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,2 tỷ USD, chiếm 11%. Việc BĐS vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi đây vẫn đang là lĩnh vực bế tắc tại Việt Nam có thể cho thấy nhiều vấn đề.

Bên trọng, bên khinh?

FDI vào BĐS tăng trở lại, rõ ràng là một tín hiệu khả quan cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, FDI có giúp nhiều cho thị trường này không thì vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy là thị trường BĐS trong nước vẫn chưa thể “tiêu hóa” hết, nếu không nói là vẫn ngập ứ những siêu dự án tỷ đô tàn dư của thời kỳ cấp phép nhiều, thu hồi ít.

Trong đó, có không ít dự án FDI được các nhà đầu tư nước ngoài ào ào đổ vốn vào thời hoàng kim. Hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang dọc bờ biển miền Trung, những sân golf hoành tráng mới chỉ trên giấy, hay các đại đô thị sống dở chết dở ngay trong lòng Hà Nội là minh chứng rõ rệt nhất cho thực trạng bi thảm của các dự án FDI.

Trong khi đó, cái thị trường BĐS trong nước đang thiếu là các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì dòng vốn FDI lại không đổ vào đây.

Có thể nhìn thêm sang một lĩnh vực khác để thấy rõ thêm sự thu hút FDI của Việt Nam thực chất là mừng ít lo nhiều. Trong tổng số gần 17.000 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn khoảng 245 tỷ USD trên cả nước, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký, đạt hơn 500 dự án với tổng vốn xấp xỉ 3,4 tỷ USD.

3 năm trở lại đây, tỷ lệ FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm chưa tới 0,5% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước và ngày càng có xu hướng suy giảm. FDI vào nông nghiệp đã giảm tới 30 lần chỉ sau 15 năm. Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn được coi là ngành kinh tế chủ lực, BĐS lại ở phía bên kia khi không ít lần được các chuyên gia đánh giá là “mối nguy”, tác động xấu đến nền kinh tế.

Thêm nữa, dự án BĐS thường tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp, thành ra phần lớn đất bị lấy làm dự án là đất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật”. Và thực tế đã cho thấy hậu quả của vấn đề này đến nay vẫn chưa thể giải quyết được.

Chưa hết, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn suy giảm như hiện nay, ngoài việc tạo nên sự sai lệch lớn về cơ cấu đầu tư ngành, vốn FDI vào BĐS tiếp tục tăng cao còn có nhiều hệ lụy khác như cân đối ngoại tệ sẽ phức tạp khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn, thu nhập hợp pháp ra nước ngoài. Những dự án BĐS cũng thường chiếm một diện tích đất hơn các dự án thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác…

“Đúng” quý hơn “nhiều”

Lý do nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hào hứng với thị trường BĐS khi nguồn cung cho thị trường này tiếp tục dồn ứ, nguồn cầu cũng không mấy khả quan? Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, dù thị trường BĐS trong nước còn trầm lắng nhưng những nhà đầu tư nước ngoài sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn, vì về căn bản thị trường BĐS vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Chưa kể họ đầu tư theo kiểu đón đầu, chờ giai đoạn hồi phục vài năm tới. Nhìn nhận một cách công bằng, nguồn vốn FDI đổ vào thị trường BĐS cũng đã ít nhiều giúp thị trường này chuyển động. Một thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, trong nửa đầu năm 2014 đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn FDI, tương đương 570 triệu USD được giải ngân, đã đổ vào lĩnh vực BĐS, trong đó có các dự án nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, resort và hàng loạt dự án BĐS đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Dọc bờ biển miền Trung đang bội thực các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Dọc bờ biển miền Trung đang bội thực các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, bài học của thời kỳ “trải thảm đỏ” bằng mọi cách mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hiển hiện và hậu quả nhiều địa phương hiện nay vẫn còn gánh chịu đã cho thấy việc thu hút FDI vào lĩnh vực này cần căn cơ hơn, thực chất hơn.

Cơ chế cấp phép-thu hồi cũng cần phải được thực hiện một cách gắt gao, mà theo TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bài toán con người lớn hơn bài toán chính sách, vấn đề nằm ở chỗ có muốn thu hồi hay không. Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Nhà nước cũng cần phải có sự điều phối, tránh chênh lệch.

Theo TS. Hoàng Xuân Hòa (Ban Kinh tế Trung ương), chúng ta không cần thu hút quá nhiều FDI mà phải thu hút đúng nơi, đúng lĩnh vực cần thiết. Cần nghiên cứu để có chính sách nâng cấp FDI theo những định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực và đối tác đầu tư, không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án.

“Trong lĩnh vực BĐS-Xây dựng cần ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu vực như: Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, môi trường đô thị…), phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp…” - ông Hòa cho biết.

Các tin khác