Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ không “lỗi hẹn”

(ĐTTCO) - Sau nhiều lần chậm tiến độ, thời điểm này việc hoàn thiện các hạng mục đang được tiến hành khẩn trương, liên tục.

(ĐTTCO) - Sau nhiều lần chậm tiến độ, thời điểm này việc hoàn thiện các hạng mục đang được tiến hành khẩn trương, liên tục.

 

Được khởi công từ tháng 10/2011, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch ban đầu sẽ phải hoàn sau 3 năm xây dựng và đưa vào hoạt động vào giữa năm 2015. Tính đến thời điểm này, dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm và theo cam kết gần đây nhất của Bộ GTVT, phải đến cuối năm 2017 dự án mới có thể được đưa vào vận hành khai thác.

Thời gian qua, việc dự án liên tục chậm tiến độ và đội vốn đầu tư khiến xã hội không khỏi bức xúc. Trong 5 năm thi công, dự án đã đội giá từ mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD lên 891 triệu USD. Tháng 9 vừa qua, dự án tiếp tục phải điều chỉnh quy mô vốn, tăng thêm 250,62 triệu USD do biến động giá.

Ngoài việc đội vốn, nhiều hạng mục thi công tại dự án đã có lúc không thể phê duyệt do không đồng nhất được giữa Luật Xây dựng của Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt trong 5 năm thi công, dự án đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn xung quanh khu vực thi công và đã có người chết…

Thời điểm này trên công trường, khi dự án đang trong giai đoạn hoàn tất phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu. Không khí thi công vẫn hết sức khẩn trương, việc hoàn thiện các hạng mục đang được đẩy nhanh như chạy đua cùng thời gian với nỗ lực đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Anh Lê Văn Toàn, công nhân xây lắp Đội 2 - Gói thầu số 4 cho biết, anh em trong đội đã thực hiện việc lắp đường ray liên tục từ nhiều tháng nay, đến thời điểm này công việc xây lắp cơ bản đã hoàn tất.

“Khối lượng xây lắp hạ tầng cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên còn nhiều hạng mục lắp đặt thiết bị khác phải hoàn thiện trong khi thời gian hoàn thành dự án không còn nhiều, vì thế anh em trong đội đang tích cực tăng ca và có kế hoạch thay phiên nhau nghỉ để làm thông trong những ngày Tết”, anh Toàn chia sẻ.

Dọc theo tuyến dự án ở thời điểm này, những phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu như kết cấu cầu cạn, nhà ga, công trình kiến trúc trong khu Depot, đường ray…đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn một vài vị trí kết cấu hạng mục phụ trợ, lối lên xuống các nhà ga đang được các nhà thầu tích cực thi công hoàn thiện.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt - ông Lê Kim Thành cho biết, tại một số vị trí như ga La Khê, ga Văn Khê, ga Vành đai 3 trong quá trình thi công đã ít nhiều bị ảnh hưởng đến tiến độ do vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và một số cản trở nhất định. 

“Đối với các khu vực đã hoàn thành, Ban QLDA Đường sắt đang chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố, Sở GTVT hoàn trả mặt đường thông suốt cho người dân, cụ thể như khu vực Quốc lộ 6 (Văn Khê - Yên Nghĩa) và khu vực Láng - Yên Nghĩa trước ngày đầu năm 2017”, ông Thành cho biết.

Theo kế hoạch đề ra, đến hết quý I/2017, Dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc, bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot. Cũng trong tháng 3/2017, nhà thầu sẽ bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị, hoàn thành xong vào cuối tháng 7/2017.

Chia sẻ về điều này, ông Thành cho biết, Ban QLDA tiếp tục quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thực hiện khẩn trương công tác hoàn thiện. Việc kiểm tra, kiểm định và thử hệ thống đơn động cũng sẽ được tiến hành song song, tuần tự ngay khi lắp đặt thiết bị. Mục tiêu đến ngày 1/10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống.

“Do quý I/2017 có dịp nghỉ Tết Nguyên Đán tương đối dài nên sẽ rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực, vật tư, vật liệu phụ trợ để triển khai thi công. Lường trước được vấn đề này, Ban QLDA Đường sắt đã chỉ đạo, hỗ trợ nhà thầu bố trí các công việc một cách hợp lý, khoa học nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của việc nghỉ Tết, đảm bảo hoàn thành tiến độ”, ông Thành nói.

Để đảm bảo việc cung cấp thiết bị vận hành cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được sự chấp thuận của Bộ GTVT, vừa qua Ban QLDA Đường sắt đã ký kết Phụ lục hợp đồng với Tổng thầu bao gồm cả chi phí thiết bị. Đến nay, Tổng thầu đang tích cực thực hiện công tác mua sắm/đấu thầu thiết bị cho Dự án, mục tiêu giữa tháng 3/2017 bắt đầu lắp đặt.

Thời gian qua, nguồn vốn cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những nguyên nhân làm dự án chậm tiến độ. Trao đổi vấn đề với Ban QLDA Đường sắt được biết, năm 2016, dự án đã hoàn thành cơ bản kết cấu chính hạ tầng chạy tàu với tiến độ tốt, sản lượng thực hiện cao và đã giải ngân hết kế hoạch vốn nước ngoài bố trí cho dự án. Hiện Ban QLDA đang chờ nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2017 để giải ngân tiếp sản lượng đã thực hiện trong năm 2016.

“Đây cũng là một khó khăn cho dự án khi giá trị khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn bố trí, đặc biệt trong giai đoạn dự án đang hoàn thiện đòi hỏi dòng tiền liên tục và đều đặn. Đối với nguồn vốn vay bổ sung cho dự án (250,62 triệu USD), Ban QLDA đang cùng Bộ GTVT và Bộ Tài chính làm việc với China Eximbank để thống nhất các điều khoản chi tiết sớm ký kết Hiệp định vay”, ông Thành cho biết lộ trình.

Như vậy có thể thấy, mặc dù thời gian hoàn thành dự án là không nhiều, nhưng hiện tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo Ban QLDA Đường sắt, đơn vị sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu phối hợp chặt chẽ, vượt mọi khó khăn quyết tâm thực hiện bám sát tiến độ tổng thể đã đề ra.

Theo đó, Ban QLDA sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn lưu động để kịp thời giải ngân, thanh toán tạm ứng cũng như thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu phụ tham gia thực hiện Dự án, đảm bảo nguồn lực tài chính để các nhà thầu phụ thi công đẩy nhanh tiến độ thi công của Dự án.

Đặc biệt theo như ông Thành cho biết, Ban QLDA đang khẩn trương hoàn thành việc ký kết các hợp đồng thầu phụ, đảm bảo nguồn lực lao động và công việc tuần tự để tổ chức thi công. Từ đó lập tiến độ tổng thể và chi tiết cho tất cả các hạng mục còn lại một cách hợp lý và khoa học, cùng với đó là kế hoạch huy động nhân sự, máy móc thiết bị tương ứng làm cơ sở kiểm tra, kiểm soát tiến độ thi công theo thời gian cụ thể để có phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ một số sự cố trước đây, thời gian tới dù phải đẩy nhanh tiến độ nhưng chất lượng và tính an toàn của dự án luôn phải được coi trọng. “Ban QLDA cương quyết không lơ là việc nâng cao công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh mội trường và phòng chống cháy nổ trong suốt quá trình triển khai thi công”, Tổng giám đốc Lê Kim Thành tin tưởng cho biết.

Các tin khác