Dự án không khả thi, trả lại đất cho dân

(ĐTTCO) - Hàng trăm dự án BĐS không khả thi tại TPHCM vừa bị cơ quan chức năng hủy bỏ chủ trương đầu tư và quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong số những dự án bị xóa treo, rất ít dự án thực sự trả lại quyền lợi cho người dân.

Chính quyền TP vào cuộc
Năm 2007, UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị An Phú Hưng, xã Tân Hiệp và xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, quy mô quy hoạch 665ha. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Tổng công ty An Phú thực hiện công tác đền bù rất chậm, 5 năm chỉ bồi thường được mới… 2,7% dự án.
Người dân nơi đây liên tục phản ánh đến các cấp chính quyền về tình trạng quy hoạch nhưng không triển khai, khiến quyền lợi của họ bị treo. Theo người dân xã Tân Thới Nhì, thời điểm dự án chưa có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, hầu hết đất trong dự án thuộc đất nông nghiệp, bà con sống chủ yếu vào trồng trọt.
Nhiều năm dự án không được triển khai khiến đất đai hoang hóa, trong khi người dân không được canh tác. Đến năm 2016, UBND TPHCM ban hành quyết định hủy bỏ quyết định tạm giao đất cho An Phú và xóa quy hoạch treo gần 700ha tại huyện Hóc Môn.
 Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế và chưa phù hợp phát triển, đã dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh nhiều dự án. Đó là nhiều quy hoạch không triển khai được vì thiếu vốn, nhiều dự án khi giao đất nhưng nhà đầu tư chậm triển khai… UBND TP xin chủ trương Thành ủy và được giao nhiệm vụ rà lại quy hoạch xong trước quý I-2020. Dự án nào không khả thi dứt khoát phải xóa để trả lại quyền lợi cho dân.
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN,
Phó Chủ tịch UBND TP
Trao đổi với ĐTTC, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết sau khi UBND TP ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, huyện đã thông báo cho người dân biết. Theo đó, toàn bộ khu vực đất quy hoạch trước đây không còn bị quy hoạch nữa, việc xây cất, sửa chữa nhà cửa, chuyển nhượng… được thực hiện một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật.
“Mấy năm trời hàng trăm dự án bị bỏ hoang, nhà cửa của người dân không được xây mới, chuyển nhượng… thiệt hại rất lớn cho bà con. Tuy nhiên, việc Nhà nước giải quyết dứt điểm, công bố rõ ràng như thế là niềm vui cho người dân” - ông Ngô Văn Năm, người dân huyện Hóc Môn, chia sẻ. 
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng may mắn như người dân tại dự án An Phú Hưng. Báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP (QH-KT) về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch các khu chức năng đô thị trên địa bàn, đã khiến nhiều người phải lo ngại vì tiến độ cũng như tính khả thi của những dự án khủng.
Vì thế, tại buổi giám sát thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và tình hình công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn, lãnh đạo TP đã khẳng định nếu quy hoạch thực hiện được, tổ chức làm đến nơi đến chốn, còn làm không được phải trả lại đất cho người dân.
Dự án không khả thi, trả lại đất cho dân ảnh 1  Hàng trăm ha đất tại Hóc Môn thuộc dự án An Phú Hưng vừa thoát treo, trả lại quyền lợi cho người dân. 
Mạnh tay xử lý dự án treo?
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, TP thường xuyên rà soát các quy hoạch, dự án đã giao đất cho chủ đầu tư để xử lý triệt để các dự án chậm hoặc không triển khai. Theo đó, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư, có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn của 1.269 dự án, với tổng diện tích đất 18.930ha.
Đến nay, UBND TP đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất của 577 dự án với 5.915ha; điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án khoảng 33,8ha. TP đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi người dân.
Mặt khác, từ năm 2014 các cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000. Từ kết quả này, UBND TP đã xác định một số khu vực quy hoạch thiếu khả thi, kéo dài thời gian thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, hoặc không phù hợp với thực tế.
Từ đó, UBND TP chấp thuận chủ trương điều chỉnh 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông với tổng diện tích hơn 766ha.
“Như vậy, TPHCM đã cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai. Nhờ đó, các chủ đầu tư có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tình trạng chậm triển khai được kéo giảm, quyền lợi của người dân được đảm bảo, tình trạng khiếu nại, bức xúc liên quan đến dự án giảm đáng kể” - ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết. 
Đồng tình với kết quả tích cực nêu trên, song nhiều đại biểu HĐND kiến nghị cần xử lý triệt để và công bố các dự án đã thực hiện điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch. Cụ thể, việc chậm việc di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm TP. Dự án này có tổng diện tích 2.200ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, đến năm 2020 phải thực hiện xong. Tuy nhiên, hiện nay mới có Trường Đại học Luật triển khai tại phường Long Phước, quận 9, còn lại là quy hoạch treo. 

Các tin khác