Dự án ì ạch: Lãnh đạo xin lỗi dân khu Mả Lạng

(ĐTTCO) - UBND quận 1, TPHCM vừa tổ chức đối thoại với 1.500 hộ dân khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh hay còn gọi là khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời tìm hướng giải quyết dự án treo này.
 
Treo hơn 16 năm

Khu đất Mả Lạng được bao quanh bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi, Trần Đình Xu, Nguyễn Cư Trinh và Cống Quỳnh (khu đất từng là một nghĩa địa này được xem như khu đất vàng). Từ năm 2000, khu đất có diện tích lên đến 6,8ha nằm giữa trung tâm TP, dự án giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện.
Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị. Theo thống kê, khu Mả Lạng hiện nay có tổng số nhà dự kiến giải tỏa hoàn toàn 1.424 căn, trong đó có 1.391 căn của cá nhân và 33 căn của 22 tổ chức. Tổng số nhân khẩu sinh sống khu vực khoảng 10.000 người.

Tại buổi đối thoại, ông T.A, người sinh sống trong khu dân cư này, bức xúc phản ánh suốt nhiều năm qua gia đình ông cũng như hàng ngàn hộ dân hết sức hoang mang, lo lắng vì dự án treo không biết đến bao giờ, trong khi nhà cửa xuống cấp, xập xệ nhưng bà con phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ qua ngày vì nằm trong diện quy hoạch nên xin phép nâng cấp, sửa chữa nhà cũng hết sức khó khăn.

Là chủ 2 căn nhà thuộc khu vực giải tỏa, bà C.Nh, băn khoăn khi bị thu hồi nhà đất chính sách bồi thường, hỗ trợ ra sao, tái định cư ở đâu. Nếu tái định cư tại chỗ sẽ nhận mức giá bồi thường bao nhiêu, còn không tái định cư nhận mức giá nào. Nhiều ý kiến tại buổi đối thoại cũng bày tỏ mong muốn chấp hành chủ trương xây dựng, phát triển TP nhưng cần làm rõ quyết tâm của nhà đầu tư, chính quyền trong việc thực hiện dự án. Không thể hứng thì quy hoạch để rồi “nhốt” người dân trong dự án treo.

Sẽ đẩy nhanh tiến độ

Bức xúc, kiến nghị của người dân là hoàn toàn chính đáng. Do đó ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đã thay mặt lãnh đạo, chính quyền quận 1 gửi lời xin lỗi đến toàn thể bà con ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vì đã để dự án bị treo nhiều năm. Tới đây chính quyền và chủ đầu tư sẽ ngồi lại tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Trong trường hợp không thực hiện dự án đúng tiến độ sẽ kiến nghị tìm nhà đầu tư thay thế.

Ông Đoàn Ngọc Hải cũng cho biết từ đây đến tháng 10-2017, dự án bước vào giai đoạn điều tra, khảo sát, đo đạc và kiểm đếm để thực hiện bồi thường, vì vậy cần sự đồng thuận của người dân để dự án đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến công tác bố trí tái định cư sẽ bắt đầu từ tháng 6-2018. Lộ trình thực hiện các bước cụ thể tiếp theo sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở phường Nguyễn Cư Trinh và các nơi sinh hoạt khu dân cư của dự án.

Trước đó, để thúc đẩy dự án khu Mả Lạng, UBND TPHCM đã giao Sở Tài nguyên-Môi trường phối hợp UBND quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Thời gian hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong quý II-2017. TP cũng yêu cầu Tập đoàn Bitexco phải đảm bảo tập trung nguồn lực tài chính, nhanh chóng triển khai dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh theo quy hoạch.

Được biết, khu Mả Lạng cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét quy hoạch giảm quy mô dân số, nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực; đồng thời đề xuất quy hoạch tổng thể khu tứ giác Mả Lạng và định hướng phát triển quy hoạch không gian, hình khối kiến trúc, khoảng lùi xây dựng công trình so với lộ giới các tuyến đường và mặt dựng của các công trình tại ô phố này.

Nhà cửa người dân khu Mã Lạng xuống cấp nhưng không xây sửa được do quy hoạch treo.
 

Hơn 20.000ha đất của 570 dự án bị treo

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đến tháng 6-2017, toàn TP hiện còn khoảng 570 dự án treo với tổng diện tích hơn 20.000ha, trong đó có nhiều dự án đã bị treo gần 20 năm. Những dự án có quy mô lớn và treo lâu nhất có thể kể đến khu bán đảo Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc, Khu công nghiệp Bàu Đưng, Khu viện trường y tế, Khu công nghiệp hóa dược, 4 dự án bãi xe ngầm là Lê Văn Tám, Trống Đồng, Hoa Lư và Tao Đàn...

Nhằm khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá lại việc thực hiện quy hoạch hiện nay của các địa phương có dự án treo. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh quy hoạch lại những khu vực thuộc các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 còn vướng mắc, không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bên cạnh sửa đổi các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, TPHCM cũng đã ký Quyết định 26, quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TPHCM (quyết định này thay thế Quyết định 27 ban hành năm 2014), nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực có chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới được xây dựng tạm.

Các tin khác