Dự án “chết” trên đất vàng

(ĐTTCO)- Trước thực trạng hàng loạt dự án xây dựng dở dang hoặc đang “trùm mền” tại khu trung tâm TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa chỉ đạo các sở-ngành liên quan, Thanh tra TP và UBND các quận 1, 3 triển khai các biện pháp xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ, tránh gây lãng phí trong khai thác sử dụng và đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu đất vàng.

(ĐTTCO)- Trước thực trạng hàng loạt dự án xây dựng dở dang hoặc đang “trùm mền” tại khu trung tâm TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa chỉ đạo các sở-ngành liên quan, Thanh tra TP và UBND các quận 1, 3 triển khai các biện pháp xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ, tránh gây lãng phí trong khai thác sử dụng và đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu đất vàng.

Đất vàng thành bãi giữ xe, quán nhậu

Khảo sát thực tế tại khu trung tâm TPHCM cho thấy, khá nhiều dự án bất động sản dở dang, ngưng thi công, đang cho thuê làm bãi giữ xe, buôn bán hàng ăn, quán nhậu… rất lãng phí. Trong đó, dự án Saigon One  Tower tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 được khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến cuối năm này, tòa nhà chỉ hoàn thành phần xây thô rồi dừng lại cho đến nay, dù dự án nằm ngay vị trí rất đẹp bên sông Sài Gòn.

Được biết, dự án này do Công ty CP địa ốc Sài Gòn  M&C làm chủ đầu tư (CĐT), có tổng mức đầu tư lên tới 256 triệu USD với quy mô 41 tầng, các chức năng văn phòng, căn hộ cho thuê cao cấp. Cuối năm 2014, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường và Thanh tra TP làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa công trình sử dụng vào cuối năm 2015. Thế nhưng đến nay, công trình trên hầu như không chuyển động thêm gì.

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP với UBND TPHCM trong tháng 2-2016 về kết quả rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai tại khu trung tâm TP cũng cho thấy, trong số 505 công trình mà sở này cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trong thời gian từ năm 2004 - 2014 và 1 công trình được cấp GPXD từ năm 1996 (của Công ty Liên doanh Trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn 11D Thi Sách quận 1), có 53 dự án tại trung tâm quận 1 và quận 3 chậm triển khai và có 30 dự án chưa khởi công, 14 dự án đang ngưng thi công dở dang. Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay, 30 dự án chưa khởi công này GPXD đã hết hiệu lực khởi công theo quy định.

Hiện nay, nhiều dự án chưa tháo dỡ hiện trạng cũ, để đất trống như Trung tâm Văn hóa đa năng của Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn tại số 62 đường Trần Quang Khải, quận 1; Cao ốc Văn phòng của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH Một thành viên tại 184 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3;  Văn phòng và nhà khách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại số 7A-B đường Bùi Thị Xuân, quận 1…

Một số dự án Nhà Văn phòng của Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1; Nhà Văn phòng của Liên minh HTX TPHCM số 52-54 đường Bùi Thị Xuân, quận 1; Nhà Văn phòng của Công ty CP Dược Phẩm 2-9 tại 136 đường Lý Chính Thắng, quận 3 hiện đã tháo dỡ nhà cũ nhưng đang làm bãi đậu xe. Ngoài ra, nhiều khu đất hiện đang cho thuê, kinh doanh nhà hàng sân vườn, quán nhậu, buôn bán như khu đất khách sạn của Công ty TNHH Phát triển địa ốc An Cư tại khu đất số 20 đường Cao Bá Quát; các khu đất 74/13 - 74/10 và 73/3 đường Hai Bà Trưng, quận 1…

Đẩy nhanh tiến độ

Nguyên nhân chung mà các chủ đầu tư đưa ra đối với các dự án chưa triển khai lẫn các dự án đã khởi công nhưng lại kéo dài tiến độ hoặc thi công rề rà là do tình hình kinh doanh bất động sản tại TPHCM những năm qua không được thuận lợi nên nhiều DN gặp khó khăn về tài chính, khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay vốn với lãi suất cao nên phải chuyển nhượng dự án…

Ngoài những lý do trên, các chủ đầu tư (CĐT) cho biết họ cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nhiều CĐT cũng đã đề nghị được gia hạn GPXD và cam kết thực hiện đúng tiến độ và hoàn tất khi được gia hạn.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án “chết” tại khu trung tâm thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa chỉ đạo một số vấn đề liên quan. Cụ thể, đối với các dự án đang ngưng thi công dở dang, TP giao Sở Xây dựng thông báo bằng văn bản đến CĐT yêu cầu nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung GPXD đã cấp trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi nhận thông báo để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị khu trung tâm TP.

UBND TPHCM nêu rõ, nếu quá thời hạn trên nhưng CĐT vẫn chưa triển khai lại dự án thì Sở Xây dựng thực hiện xử phạt vi phạm hành theo đúng quy định hiện hành. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo các sở-ngành có liên quan yêu cầu các chủ đầu tư tập trung thực hiện dự án để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và không chấp thuận đầu tư mới cho các chủ đầu tư nêu trên khi chưa xây dựng hoàn thành dự án.

Đối với dự án đã tháo dỡ hiện trạng cũ và hiện đang cho thuê kinh doanh các loại hình ăn uống, giữ xe..., TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1 và quận 3 rà soát, thu hồi các giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp, không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh tại các địa điểm trên. Việc tháo dỡ công trình hiện hữu để xây dựng mới phải được thực hiện theo đúng quy định. Riêng đối với các dự án chưa khởi công xây dựng và GPXD đã hết hiệu lực, khi có nhu cầu xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng tại

NĐ 59/2015 của Chính phủ. Cùng với đó, TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông qua Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP cân đối các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch đối với các công trình xây dựng trong ô phố để đảm bảo sự phù hợp Quy chế khu 930ha và không làm tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật của khu vực.

 Theo Sở Xây dựng, tại khu 930ha còn tồn tại một số trường hợp đã được UBND TPHCM giao thuê đất nhưng hiện nay đã tháo dỡ công trình hiện hữu và nhiều năm không thực hiện, chưa lập thủ tục cấp GPXD theo quy định, như dự án Tháp SIC của Công ty cổ phần Kim Cương tại khu tứ giác Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (quận 1). Theo ý kiến của UBND quận 1, hiện quận gặp khó khăn trong việc thực hiện tái định cư tại chỗ cho các dự án trên địa bàn quận. Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thu hồi các dự án giao thuê đất nhưng không thực hiện theo nội dung chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 2553/VP-ĐTMT ngày 23-3-2015 của Văn phòng UBND TP giao cho nhà đầu tư khác để thực hiện, trong đó có tính phương án tái định cư cho các hộ dân tại khu trung tâm.

Các tin khác