Đột phá “7 chương trình đột phá”

(ĐTTCO) - Tại kỳ họp tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 9 tháng năm 2017, báo cáo của UBND TPHCM cho biết 7 chương trình đột phá của TP có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là các chương trình liên quan đến hạ tầng - đô thị được sự đồng thuận tham gia từ các doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp chung tay cùng thành phố
Tham gia đầu tư 7 chương trình đột phá, đến nay đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư, với số vốn huy động 41.000 tỷ đồng. Chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp, với số vốn vay 680.000 tỷ đồng.
Riêng đối với việc kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), đến nay trên địa bàn có 153 dự án triển khai, với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng. 
 Việc cam kết cấp vốn cho các dự án tham gia đầu tư 7 chương trình đột phá là điểm nhấn của TP để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng trong điều kiện áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn. Đồng thời tạo sức lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng quyết định lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TP không lớn, chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công, nhưng nguồn vốn lại gấp 51 lần so với nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015. Các dự án hạ tầng giao thông TP kêu gọi đầu tư sắp tới gồm: dự án xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng (tổng mức đầu tư dự kiến 753 tỷ đồng), mở rộng đường Nguyễn Kiệm (2.183 tỷ đồng), nâng cấp đường Phan Văn Hớn (946 tỷ đồng), xây dựng trục động lực phía Tây - Nam (hơn 4.000 tỷ đồng), đầu tư Tỉnh lộ 15 (3.119 tỷ đồng), tuyến monorail số 3 (8.800 tỷ đồng), đường trên cao số 2 (21.490 tỷ đồng), đường trên cao số 4 (20.300 tỷ đồng), đường trên cao số 5 (97.651 tỷ đồng), tuyến metro số 4 (73.260 tỷ đồng).

Theo Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) Phạm Phú Quốc, giai đoạn 2010-2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn, với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục, y tế, cấp nước. Ngoài ra, HFIC đã huy động thành công 26.851 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, góp phần bổ sung nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển.
Mới đây, TPHCM tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện 7 chương trình đột phá. Cụ thể, các ngân hàng đã ký biên bản thỏa thuận cho vay vốn với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng. Đây là những dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lớn như xây dựng đường trục Bắc - Nam (vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng), đường Nguyễn Tất Thành (4.669 tỷ đồng), đường song hành phía Nam cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây (869 tỷ đồng). 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi người dân tái định cư tại khu tái định cư Vĩnh Lộc (Bình Tân).
 Đa dạng hóa nguồn vốn
Chỉnh trang đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá, bởi có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn vì liên quan trực tiếp đến hàng chục ngàn hộ dân, đặc biệt những hộ đang sống trong các chung cư cũ, nhà ven - trên kênh rạch…
Theo lãnh đạo UBND TPHCM, để tạo sự đột phá cho chương trình này, thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, TP đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP chủ động tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn và đề xuất cơ chế chỉ định chủ đầu tư tham gia thực hiện trong “Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020”. Hiện nay TP đang xem xét tiêu chí cơ bản về nội dung lập đề xuất dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven bờ Nam Kênh Đôi trên địa bàn quận 8.

Riêng công tác tháo dỡ và xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp đến nay đã có kết quả kiểm định 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975; kết quả kiểm tra chất lượng công trình nhà chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn quận 6 và quận 1. Từ đầu năm 2016 đến nay đã di dời toàn bộ các hộ dân tại 4 chung cư (8 lô) với tổng số hộ dân 1.592 hộ; hoàn tất việc tháo dỡ lô A, B, C, D chung cư Cô Giang, quận 1; tháo dỡ chung cư số 134A đường Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3. TP cũng ủy quyền cho UBND quận Bình Thạnh thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân tại chung cư lô IV-VI cư xá Thanh Đa. 

Về xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, TP đã ban hành quyết định về ủy quyền, phân công cho UBND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975; đồng thời ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện Chương trình cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020.

Để đầu tư 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020, TP cần khoảng 850.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập nước chiếm 60%. Ngân sách TP chỉ mới đáp ứng được 20% tổng vốn đầu tư. Đây là thách thức lớn trong thời gian tới. Lợi thế lớn nhất hiện nay của TP là dư địa tăng trưởng kinh tế còn cao, do đó có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù, khơi dậy nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
TP cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, tháo gỡ điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính, phân bổ nguồn lực minh bạch để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn. 

Các tin khác