DỰ ÁN KHU ĐẤT “VÀNG” 27B NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Đối tác kiện Vietnam Airlines ra tòa

CTCP Đầu tư IMG (gọi tắt là IMG) và CTCP MTGas (gọi tắt là MTGas) cho biết đang tiến hành khởi kiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam airlines - VNA) ra Tòa kinh tế - Tòa án Nhân dân TPHCM, liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng kinh doanh sau khi góp vốn thực hiện dự án khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế tại khu đất vàng 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM). Lý do VNA đã đem bán và góp vốn bằng chính khu đất “vàng” nói trên khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, ngày 9-8-2012, Tòa án Nhân dân quận 1 đã nhận đơn khởi kiện của 2 công ty này.

CTCP Đầu tư IMG (gọi tắt là IMG) và CTCP MTGas (gọi tắt là MTGas) cho biết đang tiến hành khởi kiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam airlines - VNA) ra Tòa kinh tế - Tòa án Nhân dân TPHCM, liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng kinh doanh sau khi góp vốn thực hiện dự án khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế tại khu đất vàng 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM). Lý do VNA đã đem bán và góp vốn bằng chính khu đất “vàng” nói trên khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, ngày 9-8-2012, Tòa án Nhân dân quận 1 đã nhận đơn khởi kiện của 2 công ty này.

Triển khai dự án “chui”?

Theo trình bày của đại diện IMG và MTGas, năm 2006, VNA mời 3 cổ đông trong đó có IMG và MTGas góp vốn thành lập CTCP Khách sạn Hàng không (AH JSC). Mục đích là để vực dậy dự án khách sạn đang thi công dở dang tại khu đất 5.006m2 tại 27B Nguyễn Đình Chiểu mà VNA làm chủ đầu tư trước đó.

Trong CTCP thành lập mới này, IMG, MTGas và một cổ đông khác góp vốn bằng tiền mặt, còn VNA góp vốn vào AH JSC bằng một phần giá trị tài sản trên đất gắn liền với nguồn vốn đang đầu tư dở dang tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu. Phần tài sản này của VNA được Công ty Dịch vụ kiểm toán và tư vấn UHY định giá với giá trị trên 58 tỷ đồng.

Khu đất vàng 27B Nguyễn Đình Chiểu đến nay vẫn chưa khai thác hiệu quả. Ảnh: MINH VY

Khu đất vàng 27B Nguyễn Đình Chiểu đến nay vẫn chưa khai thác hiệu quả. Ảnh: MINH VY

Tuy nhiên, khi góp vốn VNA lại sử dụng kết quả định giá của Công ty Kiểm toán Việt Nam trong Báo cáo tài chính năm 2000 là trên 8,9 triệu USD để làm cơ sở xác định giá trị góp vốn vào AH JSC.

Theo đó, VNA lấy 3,6 triệu USD góp vốn vào AH JSC (tương đương 60% vốn điều lệ), phần còn lại (5,3 triệu USD) VNA cho AH JSC trả chậm thông qua hợp đồng nhận nợ giữa VNA và AH JSC ký kết ngày 15-8-2007.

Ngày 15-8-2007, VNA và AH JSC chính thức ký Biên bản bàn giao “Vốn góp bằng tài sản của VNA vào AH JSC”. Tuy nhiên, các cổ đông cho rằng việc bàn giao vốn góp của VNA thực chất là bàn giao quyền quản lý, hồ sơ, giấy tờ dự án cho chính cán bộ của VNA, bởi không thấy chuyển giao pháp lý dự án bằng việc chuyển giao Hợp đồng thuê đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất gắn liền với đất cho AH JSC theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy AH JSC không thể tiến hành triển khai dự án, bởi các cơ quan chức năng không chấp nhận và khẳng định dự án được giao cho VNA không có quyền chuyển nhượng.

Như vậy, nếu dự án được triển khai đồng nghĩa triển khai “chui”, thì không được pháp luật công nhận. Các cổ đông AH JSC nhiều lần có văn bản kiến nghị VNA hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án, nghiêm túc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn của VNA trong AH JSC và bảo đảm tính pháp lý của việc bán phần còn lại của tài sản trên đất gắn liền với đất.

Song đến nay, VNA vẫn không thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu nào đối với tài sản gắn liền với đất tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu cho AH JSC theo cam kết.

Pháp lý góp vốn chưa rõ ràng

 Theo tìm hiểu của ĐTTC, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của VNA đối với khu đất không có thông tin về tài sản gắn liền với đất (do VNA không đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu). Do đó, tài sản gắn liền với đất được VNA sử dụng góp vốn là chưa đủ điều kiện theo quy định hiện hành, vi phạm nghĩa vụ góp vốn của cổ đông.

Liên quan đến pháp lý khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu, mới đây Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc từ việc VNA thuê đất Nhà nước từ năm 2002, với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 111 của Luật Đất đai, doanh nghiệp chỉ được bán và góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, để bên nhận quyền tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được xác định trong hợp đồng thuê đất đã ký kết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 của Quyết định 259/2006/QĐ-TTg ngày 13-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam, việc bán và góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của VNA phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chính vì vậy, theo Tổng cục Quản lý Đất đai, trường hợp VNA chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì không được bán và góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất tại số 27B Nguyễn Đình Chiểu.

Hơn 5.000m2 đất “vàng” thuê... 140 triệu đồng/năm!

Theo tìm hiểu của ĐTTC, khu đất góc đường Đinh Tiên Hoàng - 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM)  trước đây do VNA quản lý, khai thác. Năm 1994, VNA và Công ty S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập Công ty liên doanh TNHH Khách sạn Hàng không Việt Nam, nhằm thực hiện hiện dự án kinh doanh khách sạn 4 sao đạt chuẩn quốc tế. Công trình triển khai ì ạch đến năm 1998 thì “trùm mền”.

Cuối năm 2000, Công ty S.M.I. Travel Company Limited tháo chạy và chuyển nhượng phần vốn góp lại cho VNA, chấm dứt hoạt động liên doanh. Từ đây, khu đất “vàng” 27B Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục trải qua một giai đoạn “đóng băng”, VNA không tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác hiệu quả mà chủ yếu trưng dụng làm bãi kinh doanh đỗ xe!

Tháng 1-2002, VNA tiếp tục ký hợp đồng thuê 5.006m2 đất tại 27B Nguyễn Đình Chiểu để đầu tư xây dựng khách sạn và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, trong thời hạn được xác định từ ngày 21-12-2000 đến ngày 30-7-2019.

Giá tiền thuê đất là 28.000 đồng/m2/năm, tổng cộng số tiền thuê đất là 140 triệu đồng/năm. Theo quy định của hợp đồng, giá thuê đất được ổn định 5 năm, mức điều chỉnh mỗi lần không quá 15% trong vòng 20 năm.

Như vậy mức giá thuê khu đất “vàng” này xếp vào hạng rẻ mạt, tương đương với mặt bằng kinh doanh vỏn vẹn vài chục mét vuông trong khu vực nội thành. Điều đáng nói là sau khi thuê đất, khu đất “vàng” này vẫn nằm bất động, trong khi thị trường nhà đất, khách sạn thời điểm này nhiều lần lên cơn “sốt”. 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chính vì giá cho thuê đất “vàng” quá rẻ, quá ưu đãi, nên mới xảy ra tình trạng “xí phần”, khai thác kém hiệu quả, lãng phí đất công. Giả định giá cho thuê đất tăng lên gấp đôi, gấp ba lần, nhà đầu tư sẽ sốt sắng tìm nguồn đầu tư để thu hồi vốn, chứ không để tình trạng như hiện nay.

Các tin khác