Định hình rõ nét cửa ngõ phía Đông

(ĐTTCO) - Khu Đông TPHCM với hàng loạt dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội đang dần hình thành rõ nét, cùng với chủ trương phát triển khu vực này thành “đô thị sáng tạo”, đã tạo nên diện mạo mới cho quận ven nhằm giảm tải bớt cho khu vực trung tâm.
Có bệnh viện, dễ giãn dân
“Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) tại ấp Cây Dầu, phường Tân Phú (quận 9) đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để lắp đặt các trang thiết bị, máy móc, huấn luyện đội ngũ quản lý, điều hành để  sẵn sàng đón những bệnh nhân đầu tiên vào quý II-2019” - đó là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khi trao đổi với ĐTTC về dự án hạ tầng xã hội có tính chất đột phá cho khu vực này.
 Đô thị sáng tạo có chung đặc điểm là nơi tập trung con người, chất xám, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo… được hỗ trợ bằng các nền tảng cơ sở hạ tầng thuận lợi, thân thiện. Khu đô thị sáng tạo còn là nơi thực hiện những mô hình thử nghiệm các chính sách tại các quận-huyện trên địa bàn TP, vốn trước đây nặng về thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, nay được trực tiếp đóng góp ý kiến. 
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, 
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM
Theo bác sĩ Bỉnh, công trình có tổng mức đầu tư 5.845 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh được xây dựng trên diện tích 55.594m2, với tổng diện tích sàn hơn 120.000m2. Bệnh viện có 10 tầng cao và 2 tầng hầm, với các khu điều trị: khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, khu điều trị nội trú, khu kỹ thuật nghiệp vụ, khu hành chính quản trị, bãi đậu xe và sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. 
Được biết, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là một trong 5 dự án bệnh viện thuộc đề án Đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM, theo quyết định năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là bệnh viện chuyên khoa có quy mô và tính hiện đại bậc nhất hiện nay, có thể so sánh với các bệnh viện hiện đại cùng chuyên ngành trên thế giới. Bệnh viện có thể điều trị nội trú cho 1.000 bệnh nhân theo chuẩn mực quốc tế, và khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày. Theo bác sĩ Bỉnh, hơn 300 bác sĩ theo chuẩn quốc tế đã được tuyển dụng xong; thời gian qua có một số đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về dự án và đánh giá rất cao.  
Định hình rõ nét cửa ngõ phía Đông ảnh 1 Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong quý II-2019. 
TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học nhận định, việc một số hạ tầng kỹ thuật, xã hội được đầu tư xây dựng tại các cửa ngõ của TP như Bệnh viện mới Ung bướu, Bến xe mới Miền Đông, Bệnh viện Nhi TP, tuyến metro... là nền tảng quan trọng để TPHCM  xây dựng, phát triển đô thị vệ tinh, giảm áp lực gia tăng dân số cho các quận trung tâm. Việc hình thành tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên hay Bến xe Miền Đông mới, sẽ góp phần hình thành các khu đô thị mới dọc các trục này... Ngược lại, khi các dự án xung quanh các trục này phát triển, lại tạo sự phát triển cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội phát huy hiệu quả tốt nhất. Đột phá từ khu đô thị sáng tạo 
Tại Hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, Bí thư Thành ủy TPHCM ông Nguyễn Thiện Nhân có nêu kế hoạch hình thành một khu vực trung tâm, làm hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP. Khu đô thị này được hình thành từ sự kết nối giữa quận 9 (có Khu Công nghệ cao) với quận 2 (có khu đô thị mới, trung tâm tài chính hình thành trong tương lai) và quận Thủ Đức (có 12 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM với hơn 70.000 sinh viên), là tiền đề quan trọng cho kế hoạch đầy tham vọng này của TP. Khu vực này có hạ tầng giao thông phát triển (giáp với trục cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây), nhiều dự án nhà ở liền kề kết hợp với các khu thương mại mua sắm. 
Điều này đang tạo ra những ưu thế đặc biệt của khu Đông của TP (các quận 2, 9 và Thủ Đức có diện tích 211,73km2, dân số gần 1 triệu người),  tâm điểm của thị trường BĐS. Tiềm năng của khu này còn là nơi đón đầu các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính-tín dụng), với trục tâm điểm khu đô thị mới Thủ Thiêm; các khu công nghiệp công nghệ cao (2 khu chế xuất Linh Xuân, Linh Trung và Khu Công nghệ cao); Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc (trái tim của kế hoạch đăng cai SEA Games 31 tại TPHCM vào năm 2021); đô thị đại học, khởi nghiệp sáng tạo (hạt nhân là Đại học Quốc gia TP); khu vui chơi giải trí Suối Tiên, điểm cuối của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên tại phường Tân Phú (quận 9)… Tất cả tạo nên những điều kiện, nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ trong tương lai gần.
Với đặc trưng kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và cơ quan nhà nước, một không gian đô thị sống động cho các hoạt động sinh sống, học tập, làm việc, và hưởng thụ cuộc sống được định hình. Qua đó sẽ mang lại động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời khích lệ các nhà khoa học và cán bộ quản lý nhà nước lắng nghe những phản hồi từ phía người dân và doanh nghiệp.

Các tin khác