Điểm mặt những dự án "rùa": Án treo Berjaya!

(ĐTTCO) - Dự án Khu đô thị (KĐT) Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) tại huyện Hóc Môn và Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại quận 10, do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) được UBND TPHCM cấp phép đầu tư từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ… 

Viễn cảnh tươi đẹp
Dự án VIUT (tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 1-7-2008, với quy mô diện tích 925ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Theo như phác thảo của chủ đầu tư, nơi đây sẽ dành trên 100ha để phát triển thành trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Trong đó, ngoài hàng chục trường đại học, KĐT sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông. Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Dự án KĐT đại quốc tế với diện tích cả ngàn ha đã bị treo quá lâu. TP đã ra quyết định chủ trương đầu tư, nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục kéo dài việc triển khai, nên sớm thu hồi dự án, trả lại quyền lợi cho người dân, như quyền chuyển nhượng, xây mới nhà cửa, chuyển mục đích sử dụng đất…
ĐỖ THỊ LÂM TUYỀN, 
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn 
 
Tuy nhiên sau hơn 10 năm được cấp phép đầu tư, dự án dường như chưa triển khai gì đáng kể, ngoài một số công việc như rà phá bom mìn, phê duyệt nhiệm vụ 1/500, hiệp thương đền bù giải tỏa… Xã Tân Thới Nhì phần lớn người dân sống bằng nông nghiệp nhưng từ khi nhà đầu tư đến “xí” một diện tích lớn, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, đã làm cuộc sống người dân đảo lộn. 
Anh Nguyễn Văn Bình, người có mảnh ruộng trồng bắp trên diện tích quy hoạch KĐT đại học tại xã Tân Thới Nhì, cho biết khi nghe quy hoạch nhưng chưa thấy nhà đầu tư thương thảo đền bù, cũng không thấy triển khai nên nhiều người dân nơi đây cứ canh tác trên diện tích đất của mình. “Làm trên đất của mình mà cứ phập phồng, không biết khi nào dự án sẽ thực hiện. Nếu chủ đầu tư không có khả năng triển khai nên xóa quy hoạch để người dân yên tâm canh tác” - anh Bình bức xúc nói. 
Một người dân ở đường Đặng Công Bỉnh, cho biết khoảng năm 2010 thấy các cán bộ của huyện Hóc Môn xuống đo đạc, kiểm tra, lập biên bản hiện trạng, kiểm kê nhà đất, cây trồng… Sau đó, họ yêu cầu đại diện các hộ ký biên bản để chờ đền bù giải tỏa. Tất cả sự khuấy động của đại dự án chỉ có bấy nhiêu. Suốt thời gian sau đó và cho đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục dài cổ chờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Tấm bảng thông tin về dự án mục nát theo năm tháng chỉ còn trơ lại khung sắt. Nếu không được giới thiệu trước mọi người sẽ nghĩ nơi đây là một vùng quê yên bình. 
Tương tự dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam nằm trong khu vực sầm uất Kỳ Hòa, quận 10, với tổng mức đầu tư lên tới 930 triệu USD cũng án binh bất động. Dù trấn giữ tại vị trí rất thuận lợi là giữa 3 tuyến đường 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong - Cao Thắng nối dài tại phường 12, quận 10, nhưng sau nhiều năm, thay vì hình hài cần phải có của một trung tâm tài chính hiện đại, bề thế như quảng cáo của chủ đầu tư, toàn bộ diện tích rộng khoảng 8ha của dự án đã được phủ kín bởi các dịch vụ trông giữ xe máy, xe ô tô ngày/đêm, rửa xe; phía trong là các dịch vụ khác như sân tennis, tổ hợp khách sạn Kỳ Hòa…
Điểm mặt những dự án "rùa": Án treo Berjaya! ảnh 1 Người dân sống tạm bợ do dự án KĐT đại học 3,5 tỷ USD bị treo suốt 10 năm qua. Ảnh: TR.GIANG 
Tiếp tục… chờ
Cách đây hơn 5 năm, khi trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án nói trên chậm triển khai do thị trường BĐS đóng băng. “Không riêng Berjaya, khủng hoảng kéo dài của thị trường BĐS đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp” - ông Nam chia sẻ và cho rằng bây giờ nếu tập đoàn bỏ vốn xây dựng các dự án BĐS cũng không có ai đến ở. 
Thực tế cho đến thời điểm này, dự án trên vẫn chưa có động tĩnh gì để cho thấy sẽ triển khai. Trong khi đó, đối với dự án VFC, đại diện của Berjaya lại cho rằng nguyên nhân chậm triển khai là do thủ tục. Tuy nhiên, chúng tôi được biết đến nay các vấn đề về thủ tục đã hoàn thiện và chủ đầu tư đã trình phương án điều chỉnh giảm quy mô dự án để thực hiện từng giai đoạn, trước mắt đầu tư xây dựng một khu trung tâm thương mại. Song đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Vào tháng 6 vừa qua, tại cuộc giám sát về tình hình triển khai quy hoạch và thực hiện quy hoạch của HĐND TP tại huyện Hóc Môn, đại diện UBND huyện Hóc Môn, cho biết pháp nhân thực hiện dự án KĐT đại học vẫn là Tập đoàn Berjaya, nhưng người đại diện đã có sự thay đổi do một số doanh nghiệp khác chuyển nhượng lại phần vốn của Berjaya để tiếp tục triển khai dự án trong giai đoạn tới. 
“Chúng tôi hy vọng sau khi thay đổi chủ đầu tư, dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất trong vùng dự án bởi đã treo quá lâu”- vị đại diện này nói. Nhiều người dân tại dự án KĐT đại học này khi tiếp xúc với chúng tôi cũng đều bày tỏ mong muốn được đảm bảo quyền lợi. Nếu dự án không được triển khai thì nhanh chóng xóa treo, vì 10 năm nay chờ đợi đã quá dài đối với bà con.

Các tin khác