Đi lên từ hạ tầng

TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đã được kết nối bởi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm và  nhiều công trình khác đang được triển khai xây dựng. Song song đó, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh BĐS đã tận dụng cơ hội này để xây dựng những khu đô thị  tầm cỡ, tạo nên bộ mặt đô thị khang trang.

TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đã được kết nối bởi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm và  nhiều công trình khác đang được triển khai xây dựng. Song song đó, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh BĐS đã tận dụng cơ hội này để xây dựng những khu đô thị  tầm cỡ, tạo nên bộ mặt đô thị khang trang.

Ở đâu có đường, ở đó có dự án

Cửa ngõ phía Đông - Đông Bắc TPHCM là các quận 2, 9 và Thủ Đức được đầu tư nhiều công trình giao thông, như đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; cầu và hầm vượt sông Sài Gòn; cầu Phú Mỹ; cầu Sài Gòn 2; mở rộng xa lộ Hà Nội; đường Phạm Văn Đồng; đường Vành đai, tuyến metro số 1… Những dự án này đã góp phần giải bài toán giao thông cho TPHCM đi các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCL; đồng thời tạo nền tảng quan trọng để nhà đầu tư mạnh dạn triển khai dự án khu đô thị mới vào khu vực này.

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết tại khu vực cửa ngõ phía Đông TP, tập đoàn đang triển khai đầu tư 10 dự án với số lượng gần 9.000 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Thanh khoản của các dự án này rất tốt, như Tropic (quận 2) tổng số 800 căn đã bán hơn 700 căn; Lexington (quận 2) 1.300 căn đã bán gần hết sau hơn 1 năm triển khai; The Sun Avenue 1.800 căn đặt chỗ hơn 500 căn… Điều này chứng tỏ nhà đầu tư đã đi đúng hướng khi khai phá những vùng đất mới này.

Trong khi đó, hướng Thủ Đức có các chủ đầu tư lớn như Him Lam, Đại Phúc… triển khai dự án mới quy mô gần 200ha tại Quốc lộ 13 để “ăn theo” đường Phạm Văn Đồng. Ở phía Nam, bên cạnh hàng loạt dự án của HAGL, Novaland, Himlam, Phát Đạt, Phú Mỹ Hưng đã triển khai, nhiều doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà (Intresco) đang triển khai khu dân cư Long Thới - Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) quy mô 55ha. Dự án này được kết nối bởi đường Vành đai 3, đường Nguyễn Hữu Thọ để đi vào trung tâm TP và các tỉnh miền Trung, ĐBSCL.

Tại các tỉnh lân cận TPHCM, nhiều dự án mới cũng mọc lên nhờ hạ tầng. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Thanh Yến (Thanh Yến Land), cho biết công ty đang triển khai phát triển dự án Five Star Eco City  (Long An). Dự án nằm trên trục đường Đinh Đức Thiện - Bình Chánh, cách trung tâm TP 18km và dễ dàng kết nối với những tiện ích thương mại, hành chính, vui chơi giải trí qua các đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 1A và cao tốc Bến Lức - Dầu Giây.

Five Star Eco City nằm ở vị trí chiến lược trong liên kết vùng đầy tiềm năng qua hệ thống các đường cao tốc, đường vành đai, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Minh cho biết nhờ các công trình giao thông mới, từ dự án đi chưa đầy 35 phút đến trung tâm TPHCM.

Dự án IJC@Vsip của CTCP Tấc Đấc Tấc Vàng tại TP mới Bình Dương.

Dự án IJC@Vsip của CTCP Tấc Đấc Tấc Vàng tại TP mới Bình Dương.

Trong khi đó tại Bình Dương, CTCP Tấc Đấc Tấc Vàng triển khai dự án IJC@Vsip (TP mới Bình Dương). Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc, cho biết ngoài tiềm năng, giá cả, môi trường sống, sự kết nối từ dự án là lợi thế cạnh tranh. Nếu trước kia từ Bình Dương đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay Đồng Nai phải theo Quốc lộ 13, nay đi bằng con đường mới Mỹ Phước - Tân Vạn chưa đầy 20 phút.

Khu đô thị thương mại RichHome (Bình Dương) do CTCP Địa ốc Kim Oanh phát triển dự án nằm ngay tại mặt tiền Quốc lộ 14 được mở rộng vào cuối năm 2014, đã kết nối thông suốt với TPHCM và các tỉnh Tây nguyên. Bên cạnh đó, dự án còn có vị trí đắc địa như gần trung tâm thị xã Bến Cát, đường Vành đai 4, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13… thuận tiện cho việc luân chuyển hàng hóa - dịch vụ và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Kinh nghiệm nhà đầu tư ngoại

Ông Toshihiro Matsuo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nishi Nippon Railroad của Nhật Bản, vừa ký hợp tác đầu tư với 1 doanh nghiệp BĐS TPHCM triển khai dự án căn hộ tại quận 9, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, cho biết với kinh nghiệm từ Nhật Bản, doanh nghiệp đã chọn quận 9 để đầu tư. Bởi khu vực này đang diễn ra đô thị hóa rất mạnh, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã và đang được xây dựng như các tuyến đường vành đai, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro số 1…

Khi các công trình này hoàn thiện sẽ dễ dàng kết nối với trung tâm TP và đi các tỉnh, khi đó giá trị BĐS cũng gia tăng theo thời gian. Hơn nữa, tại những khu vực mới có ưu thế là quy hoạch đồng bộ, hiện đại, môi trường sống tốt… Do đó khi đầu tư dự án khu đô thị mới sẽ dễ dàng thu hút cư dân từ khu vực nội thành vốn quá tải. Trước đó một quỹ đầu tư cũng đến từ Nhật Bản là Creed đã bỏ vào CTCP Năm Bảy Bảy hơn 600 tỷ đồng đầu tư dự án City Gate ven Đại lộ Võ Văn Kiệt. Các dự án doanh nghiệp nước ngoài hướng đến chủ yếu tập trung ở khu vực quận 2, quận 9, khu Nam TP. 

Theo đánh giá của doanh nghiệp đầu tư BĐS, thời gian qua tính thanh khoản của thị trường tăng lên nhưng người mua cũng kỹ tính hơn. Hầu hết người mua nhà trong giai đoạn này có nhu cầu an cư, một số ít có tiền nhàn rỗi mua để đầu tư lâu dài, còn tình trạng lướt sóng hầu như không còn. Chính vì vậy uy tín thương hiệu, tiến độ dự án, phương án tài chính cho dự án… là những yếu tố quyết định người mua.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét: “Những dự án giao thông mới sẽ tạo diện mạo mới, hiện đại cho TPHCM, vì thế những dự án ăn theo các dự án này cần phải được đầu tư bài bản, đến nơi đến chốn, không thể để xảy ra tình trạng xí đất rồi để đó cho cỏ mọc. Như vậy việc lựa chọn, giao đất cho doanh nghiệp, phê duyệt dự án cũng cần làm chặt chẽ để lựa chọn những đơn vị có thực lực nhằm tạo ra những khu đô thị văn minh, hiện đại cạnh những con đường mới, tuyến metro mới”.

Các tin khác