Đẩy nhanh tiến độ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Chiều qua 23-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng các sở ngành của TP đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) trong khuôn khổ giao ban hàng quý, nhằm lắng nghe những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh lĩnh vực BĐS. Tại cuộc gặp gỡ, nhiều kiến nghị doanh nghiệp đã nêu trước đó chưa được giải quyết, tiếp tục được kiến nghị.

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nội dung cũ
Tại cuộc gặp gỡ với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ngày 7-11-2018, đại diện CTCP Địa ốc Phú Long, cho biết trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1-12-2004. Tuy nhiên, gần 14 năm nay công ty vẫn chưa hoàn thiện được dự án Khu đô thị Dragon City do còn tồn tại nhà và đất của một số hộ dân.
 TP xem sự phát triển của doanh nghiệp là phát triển của TP, nên luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. TP sẽ công khai các thủ tục, từng dự án để doanh nghiệp, người dân biết theo dõi. Những kiến nghị của doanh nghiệp, TP giao các sở ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết, giao Văn phòng UBND TP theo dõi để báo cáo cho lãnh đạo TP.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Hiện công ty đã thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại cuộc gặp gỡ hôm qua, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Phú Long tiếp tục nêu lại vấn đề trên. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Nguyễn Toàn Thắng, cho biết trong tuần tới sẽ có cuộc họp về vấn đề này để nghe UBND huyện Nhà Bè báo cáo và xem xét hướng giải quyết liên quan đến các hộ dân “tái chiếm” như  phản ánh của Công ty Phú Long. 
Tương tự, một số kiến nghị của doanh nghiệp đã nêu tại các cuộc họp trước, như Công ty Lê Thành đề nghị xác nhận là nhà ở xã hội để hoàn thành thủ tục vay vốn, cũng như hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng, vì dự án chuẩn bị bàn giao sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Hay kiến nghị của Công ty Nhà Bình Dân về việc xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án nhà ở tại quận Thủ Đức. Đây là những dự án chưa được giải quyết, dù cuộc họp trước đó Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết ngay. 
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp ảnh 1 Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu tháo gỡ nhanh những vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS. 
Rào cản “đất ở hợp pháp”
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũ đang là rào cản cho doanh nghiệp, thị trường BĐS tiếp tục được doanh nghiệp “kêu” với lãnh đạo TP. Liên quan đến “đất ở hợp pháp” khi triển khai đầu tư dự án, đại diện một doanh nghiệp, cho biết thời gian qua các doanh nghiệp BĐS đã nỗ lực đầu tư vốn, thời gian và công sức để triển khai các dự án về nhà ở nhằm cùng TP đẩy mạnh công cuộc đô thị hóa, chỉnh trang quy hoạch, tạo ra nguồn nhà ở phù hợp đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ngày càng cao của người dân TP. Tuy nhiên, quy định về “đất ở hợp pháp” để chỉ định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, đã được hướng dẫn và áp dụng theo kiểu “trói chân tay” doanh nghiệp BĐS. 
Cụ thể, ngay từ bước đi pháp lý đầu tiên, khó khăn trong việc công nhận chủ đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quỹ đất sạch của dự án (bao gồm đất ở và các loại đất khác chưa phải là đất ở nhưng đã được quy hoạch đất ở), Luật Nhà ở đang có một số nội dung mâu thuẫn với Luật Đất đai, kéo theo các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện thiếu đồng nhất, gây bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Đất ở thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đất các khu vực thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị mới. Quỹ đất dành để thực hiện phát triển đô thị của TP chủ yếu là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng... phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định đang khiến nhà đầu tư đã bỏ ra những khoản tài chính rất lớn để có quỹ đất sạch, nhưng hàng năm trời vẫn chưa triển khai được. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa nhóm các tập đoàn BĐS dồi dào nguồn vốn và quỹ đất (đã được chấp thuận đầu tư) với nhóm doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ đang khó khăn và nợ nần, thậm chí có doanh nghiệp bên bờ vực phá sản vì đã bỏ ra chi phí lớn đầu tư nhượng quyền sử dụng đất cũng như giải phóng mặt bằng, nhưng không thể thực hiện dự án.
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị lãnh đạo TP xem xét, hướng dẫn theo hướng khả thi cho cơ quan chuyên môn trong quá trình thụ lý và giải quyết hồ sơ công nhận và chấp thuận dự án đầu tư. Bởi lẽ, “đất ở hợp pháp” là doanh nghiệp có nguồn đất hợp pháp và được quy hoạch, có kế hoạch sử dụng là đất ở.
Để có môi trường đầu tư lành mạnh và hiệu quả, đồng thời tạo ra thị trường nhà ở đáp ứng nhu cầu bức thiết của hàng triệu gia đình chưa có mái ấm, nhiều ý kiến đề nghị TP tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng mắc trong thủ tục công nhận chủ đầu tư. 
Lắng nghe và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, cho biết theo hướng tháo gỡ của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ không sử dụng “đất ở”, chỉ dùng từ “đất” để xem xét chấp thuận đầu tư dự án cho doanh nghiệp. Việc chấp thuận đầu tư dự án được căn cứ vào các điều kiện như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, dân số, năng lực doanh nghiệp…
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, qua kiểm tra chỉ 25% dự án có đất ở hợp pháp còn lại là đất nông nghiệp, nhà xưởng… TP cũng đã hướng dẫn nếu dự án đầu tư có 100% đất ở hợp pháp, Sở Xây dựng xem xét công nhận chủ đầu tư. Những dự án còn lại Sở Kế hoạch - Đầu tư thụ lý. Trong lúc chờ Trung ương xem xét giải quyết, TP sẽ xem xét, phê duyệt 1/500 trước khi thực hiện các bước còn lại. 

Các tin khác