Đầu tư KCN: Những bức tranh trái chiều

Việc đầu tư KCN một cách dàn trải, thiếu tính toán đã gây lãng phí lớn về vốn đầu tư và quỹ đất, trong khi hiệu quả đem lại thấp.

Việc đầu tư KCN một cách dàn trải, thiếu tính toán đã gây lãng phí lớn về vốn đầu tư và quỹ đất, trong khi hiệu quả đem lại thấp.

Một nghịch lý đáng quan ngại hiện nay là, trong khi các khu công nghiệp (KCN) tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM thiếu đất cho nhà đầu tư thuê, thì ở nhiều địa phương khác như khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, hạ lưu ĐBSCL, tỷ lệ phủ lấp chỉ đạt 2 -30%. 

Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có buổi làm việc với các chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp nhằm giải đáp vấn đề này.

Nơi chết giá - nơi quá lửa

Theo thống kê không đầy đủ, tới nay, cả nước có 223 KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao, phân bố trên 56 tỉnh, thành, trong đó 171 KCN đã đi vào hoạt động; 52 KCN đang và sẽ xây dựng. Chỉ có 7 tỉnh không có KCN. Theo TS Võ Thanh Thu - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tỉ lệ lấp đầy các KCN rất thấp : 46%; có tỉnh chỉ 10%.

Hơn nữa, theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, toàn vùng đang có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha, nhưng chỉ cho thuê được hơn 810 ha, tỉ lệ khoảng 22%. Ngoài ra, các tỉnh còn lập 177 cụm công nghiệp với diện tích 15.457 ha và chỉ có 15 cụm được doanh nghiệp (DN) thuê 700 ha, tỉ lệ 4,5%. Vùng Cà Mau xa xôi, nơi nền đất rất yếu, nhiều khu, cụm công nghiệp cũng ồ ạt mọc lên; ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang..., đất KCN bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Trái ngược với bức tranh này, thực tế nhiều KCN ở TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh... có tỷ lệ lấp đầy tới 95%. Theo ông Vũ Văn Hòa - Trưởng BQL các KCN – KCX TP HCM, hạ tầng cơ sở tốt, lực lượng lao động tốt, dịch vụ tiện ích, điều kiện hạ tầng thuận lợi... là tiêu chí để thu hút được nhà đầu tư.

“Sở dĩ các địa phương quy hoạch nhiều KCN nhưng tỉ lệ lấp đầy thấp là do, ngoài việc hạn chế các điều kiện kể trên, còn yếu kém trong xúc tiến đầu tư”. “Về lâu dài, các KCN chưa sử dụng hết công suất này có cơ hội phát triển. Nhưng trước mắt nên quy hoạch cho việc khác. Đừng dễ dãi trong kêu gọi đầu tư để nhanh chóng lấp đầy KCN rồi thả lỏng chuyện bảo vệ môi trường, cấp phép cho các DA lạc hậu về công nghệ...” - ông Hòa nói thêm.     

Nguyên nhân từ bệnh... rập khuôn

Nghịch lý phát triển KCN hiện nay bắt nguồn từ việc các địa phương chủ trương đầu tư phát triển nhiều KCN với kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn để cải thiện nguồn ngân sách. Ngoài ra, do việc phân bố các KCN mới theo địa giới hành chính, mà chưa có một quy hoạch chung và thiếu tính toán kỹ các yếu tố khác, nên dẫn đến tình trạng các địa phương “rập khuôn” xây dựng KCN.

Nhiều địa phương đáng lẽ phải có chiến lược, có sự hợp tác với các địa phương lân cận để tạo ra các khu KCN liên kết với nhau, tạo thành các chuỗi sản xuất, thì họ mới khoanh vùng, cấp đất để nhà đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất. Điều này dẫn đến việc không có các KCN chuyên ngành và các ngành phụ trợ để phát triển ngành công nghiệp, nên không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Có thể thấy rõ rằng, do phát triển tự phát, không có chiến lược và sự liên kết chung, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương không nằm trong chuỗi giá trị chung của địa phương và vùng. Và điều dễ nhận thấy tại KCN của nhiều địa phương là sự vắng bóng các dự án có vốn đầu tư cỡ vài chục triệu USD với công nghệ hiện đại.

Mặt khác, việc đầu tư KCN một cách dàn trải, thiếu tính toán đã gây lãng phí lớn về vốn đầu tư và quỹ đất, trong khi hiệu quả đem lại thấp. Đó là chưa kể đến những khó khăn cho địa phương trong quản lý các KCN, như môi trường, an ninh trật tự...

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, thừa nhận thực trạng nhiều KCN được quy hoạch hoành tráng bỏ hoang và chưa xong KCN này đã làm thêm ngay KCN khác. “Nguyên nhân là do phát triển KCN ở ta được nhìn nhận quá lạc quan. Thêm nữa, không ít nhà đầu tư thiếu nghiêm túc, xí chỗ mà không làm gì”.

Chính vì lẽ đó, việc phát triển KCN trong giai đoạn tới cần phải được điều chỉnh theo những định hướng mới, gắn với phát triển về chất lượng KCN, như việc phát triển KCN theo hướng bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, cần tăng cường tính liên kết ngành công nghiệp trong phát triển các KCN. Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng thí điểm một số KCN nhằm thu hút các DN FDI trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi.

Quan trọng nhất là cơ quan hoạch định chính sách cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và quy hoạch phát triển các KCN một cách hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, khi nhiều KCN hiện hữu chưa khai thác hết quỹ đất, các địa phương nên chủ động tập trung khai thác chiều sâu để nâng cao chất lượng, tránh đầu tư tràn lan, gây lãng phí tiền của và quỹ đất.

Các tin khác