Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất

(ĐTTCO) - Hàng trăm dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn TPHCM nhưng bị ách tắc do chính sách đền bù, tái định cư còn bất cập, khiến người có đất bị thu hồi chưa đồng thuận. 
Để chính sách ngày càng minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, TP đang xây dựng nhiều cơ chế mới. ĐTTC giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM.
Tăng chi phí bồi thường do chậm trễ
 Nghiên cứu phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho người dân có đất bị thu hồi. Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật- xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất trước khi bồi thường giải tỏa. 
Hiện nay trên địa bàn TP còn 133 dự án chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chưa hoàn thành việc thu hồi đất để triển khai thực hiện. Cụ thể, đã chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gần 40.000 trường hợp thu hồi hơn 20,7 triệu m2 đất; chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 24.365 trường hợp, chưa thu hồi 27,7 triệu m2 đất.
Nguyên nhân do nhiều dự án chưa được bố trí vốn để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chưa được điều chuyển cân đối đủ quỹ nhà ở, nền đất bố trí tái định cư; chưa được phê duyệt giá bán, đơn giá thuê; người dân không đồng ý phương án đền bù; chưa đảm bảo cơ sở pháp lý áp dụng biện pháp kiểm đếm bắt buộc đối với trường hợp người dân không hợp tác thực hiện kê khai…
Việc chậm trễ này làm phát sinh tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ , tái định cư; tăng chi phí đầu tư xây dựng so với dự toán đã phê duyệt trước đây.
Tính đến tháng 6-2017, trong tổng số 72 dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt theo Luật Đất đai 2013, có 32 dự án đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng, còn 40 dự án chưa thực hiện xong…
Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất ảnh 1 Phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất. Ảnh: P. LONG 
Ngoài ra, khối lượng dự án có sử dụng đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng (GPMB) theo Nghị quyết 122/2016 của HĐND TP có đến 824 dự án thực hiện theo Luật Đất đai 2013. Nói chung TP cần quỹ đất khá lớn để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, nhưng việc đền bù, giải tỏa vẫn còn khó khăn.
Nguyên nhân do chưa đảm bảo công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai và tổ chức thực hiện bồi thường, tái định cư. Các sở ngành, quận huyện, chủ đầu tư dự án chưa nhận thức đầy đủ, chưa thống nhất trách nhiệm của các cơ quan trong việc phải đảm bảo đồng thời ít nhất 6 điều kiện bắt buộc trước và trong khi triển khai công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư…

Cơ chế liên thông
Giải pháp để đẩy nhanh việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã được TP đưa ra. Theo đó,  đối với dự án có vị trí khu vực lân cận hoặc có điều kiện kinh tế- xã hội với dự án đã được UBND TP phê duyệt, UBND quận huyện cân đối giá bồi thường, đề xuất, báo cáo gửi Sở TN-MT, phối hợp với Sở Tài chính (thường trực Hội đồng thẩm định giá TP) và các sở ngành liên quan thống nhất trình UBND TP.
Đối với trường hợp nằm ngoài phạm vi trên, UBND quận huyện được ủy quyền thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá tổ chức điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường, đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất báo cáo Sở TN-MT xem xét, gửi Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định và trình duyệt theo quy định. Những giải pháp trên có thể rút ngắn thời gian, đảm bảo yếu tố về giá cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách bồi thường, thu hồi, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, TP đang xem xét dự thảo “Chức năng nhiệm vụ và cơ cấu Ban chỉ đạo TP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM”.
Thực chất đây là cơ chế liên thông 1 cửa của TP nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn TP, chấm dứt việc luân chuyển hồ sơ giữa các sở ngành, tập trung 1 đầu mối giải quyết các vướng mắc, khó khăn kiến nghị giải quyết những khó khăn tồn đọng. Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho Thành ủy, HĐND TP các biện pháp nhằm tháo gỡ về chính sách, cơ chế và những vướng mắc khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất… 
Việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích sử dụng đất hợp pháp, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống của người dân khu vực có đất bị thu hồi.
Đối với các dự án  xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị cần quy hoạch cả diện tích đất bên cạnh công trình tạo nguồn lực từ đất đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng ngân sách cho Nhà nước; ưu tiên người có đất bị thu hồi được giao đất hoặc mua đất trên diện tích đất đã thu hồi theo quy định của pháp luật…

Các tin khác