Ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải hành khách

Đã siết nhưng vẫn còn lỏng

(ĐTTCO) - Chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách (HK) theo hợp đồng đi vào hoạt động được 9 tháng nay, giúp giảm thiểu tình trạng xe taxi “chui”, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn… Thế nhưng, để quản lý chặt chẽ phương thức vận tải này, Chính phủ và các bộ, ngành đang hoàn thiện các văn bản pháp lý cũng như quy định liên quan.

(ĐTTCO) - Chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách (HK) theo hợp đồng đi vào hoạt động được 9 tháng nay, giúp giảm thiểu tình trạng xe taxi “chui”, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn… Thế nhưng, để quản lý chặt chẽ phương thức vận tải này, Chính phủ và các bộ, ngành đang hoàn thiện các văn bản pháp lý cũng như quy định liên quan.

Chuyển biến rõ rệt

Ứng dụng phần mềm V.Car được hơn 2 tháng nay, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam kiêm Giám đốc Taxi Vinasun, bày tỏ sự hài lòng khi ứng dụng phần mềm thông minh này vào vận chuyển khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Cụ thể, HK đặt xe qua ứng dụng Vinasun app sẽ quản lý được lộ trình và tiền cước cho quãng đường di chuyển hiển thị trên tablet hoặc trên điện thoại di động của khách.

Tính đến nay, cả nước có 3 ứng dụng công nghệ kết nối HK với lái xe được phép hoạt động thí điểm theo chấp thuận của Bộ GT-VT, gồm: ứng dụng của Công ty TNHH Grab taxi (đề án thí điểm Grab Car); ứng dụng của CTCP Ánh Dương Việt Nam (đề án thí điểm V.Car) và gần đây nhất ứng dụng của CTCP Vận tải 57 Hà Nội (đề án thí điểm Thanh Cong Car). Sau 9 tháng thực hiện, chương trình thí điểm mới được triển khai tại Hà Nội, Khánh Hòa và TPHCM.

Hiện Vinasun đang thực hiện cung cấp dịch vụ kết nối cho xe vận tải HK tại TPHCM và Khánh Hòa với số lượng 300 xe, góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển với thời gian chờ xe đến đón khách dưới 3 phút. Mặt khác, so với taxi truyền thống, xe ứng dụng phần mềm V.Car giảm hẳn tình trạng chạy rông trên đường.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Grab Taxi, sau 9 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và TPHCM, 100% xe đều được dán tem Grab Car để người dân và cơ quan quản lý nhà nước dễ nhận diện, phân biệt rõ với xe hợp đồng vận tải truyền thống. Việc đi lại của HK rất thuận lợi và nhanh chóng khi thời gian chờ xe đến đón dưới 5 phút và hệ số sử dụng quãng đường tại Hà Nội và TPHCM đạt gần 90%. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, cho biết tại TPHCM sau gần 7 tháng hoạt động, đơn vị Grab Taxi có tổng cộng hơn 2,5 triệu lượt phương tiện với hơn 6,2 triệu lượt HK tham gia, còn taxi Vinasun đã có 300 xe với tổng cộng gần 200.000 lượt khách tham gia di chuyển. Điều này cho thấy sự hiệu quả và tiện ích của phần mềm ứng dụng kết nối vào hoạt động vận tải. Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM, việc đưa vào sử dụng phần mềm kết nối vận tải HK đối với xe taxi đã giảm thiểu rõ rệt tình trạng đi sai lộ trình, giảm tai nạn giao thông, còn HK luôn chủ động được thời gian và quãng đường đi của mình.

Lực lượng chức năng TPHCM xử lý các xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trái quy định. Ảnh: M. TUẤN

Lực lượng chức năng TPHCM xử lý các xe hợp đồng
dưới 9 chỗ hoạt động trái quy định. Ảnh: M. TUẤN

Nhưng vẫn thiếu các quy định

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Minh hiện việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đối với từng trường hợp xe vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn, do đòi hỏi phải có bản tường trình và sự hợp tác của HK. Do tâm lý sợ phiền hà nên khi kiểm tra, tài xế đối phó bằng cách trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè... và HK cũng đồng tình với tài xế. Bên cạnh đó, ông Minh cho hay hiện các đơn vị ứng dụng phần mềm như Uber chưa được phép triển khai vẫn hoạt động, còn tài xế xe Uber đối phó bằng cách báo cho các tài xế khác biết khi lực lượng chức năng kiểm tra để né tránh. Từ đó, ông Minh đề nghị Bộ GT-VT cần đưa ra các quy định trong việc kiểm soát và nghiêm cấm các đơn vị vận tải HK lắp đặt các phần mềm ứng dụng không thuộc đề án thí điểm; đồng thời, phần mềm kết nối trên cũng phải được các nhà cung cấp dịch vụ gửi về cơ quan nhà nước để kiểm tra, giám sát.

Trung tá Huỳnh Trung Phong cho hay, hiện PC67 cũng chưa nắm được con số cụ thể của các hãng xe taxi vận chuyển HK tham gia ứng dụng trên, trong khi các xe tư nhân vẫn tự do lắp đặt các ứng dụng sai quy định tràn lan trên thị trường, khiến lực lượng CSGT khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý. Trước thực tế đó, Trung tá Phong kiến nghị cần tăng nặng, phạt cao đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe. Còn theo ông Nguyễn Tuyển, trong quá trình triển khai thí điểm ở các tỉnh, thành phố cần khống chế số lượng đầu xe tham gia để mang lại hiệu quả cao hơn.

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT), cho biết sắp tới sẽ tham mưu cho Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp nhằm quản lý phù hợp và chặt chẽ đối với loại hình vận tải mới này. Đồng thời, Bộ GT-VT sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ GT-VT và sở GT-VT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các tin khác