Cứu chất lượng sông Sài Gòn-Đồng Nai

(ĐTTC) - Sáng nay 26-11, Báo SGGP và Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn- Đồng Nai”.

(ĐTTC) - Sáng nay 26-11, Báo SGGP và Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn- Đồng Nai”.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập báo SGGP, cho biết hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai đi qua 11 tỉnh, thành có tác động, ảnh hưởng đến 20 triệu dân sinh sống, trong đó có 10 triệu dân TPHCM.

Đặc biệt hệ thống sông đi qua nhiều tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nên thời gian qua đã gây nên ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng chục triệu người dân.

Hội thảo do Báo SGGP phối hợp cùng Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức nhằm tập trung nghiên cứu, bàn thảo 3 vấn đề: Xem xét việc xây dựng các nhà máy thủy điện có tác động như thế nào đến chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái của hệ thống sông; phân tích chất lượng nguồn nước, nguyên nhân của việc ô nhiễm; ý kiến đề xuất các giải pháp của các chuyên gia về việc “cứu” chất lượng nguồn nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu việc xảy ra lũ lụt bất thường là điều khó tránh khỏi. Việc xây dựng các thủy điện, hồ tích nước đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực.

Đặc biệt việc xây dựng hồ tích nước là cần thiết để điều tiết nước quanh năm. Hồ chứa nước, thủy điện không có lỗi tuy nhiên lỗi thuộc về con người: ở khâu thiết kế và sử dụng.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện Tài nguyên-Môi trường, cho biết chất lượng nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai ô nhiễm khá nặng, nhiều chỉ số vượt mức cho phép ở ngưỡng cao.

Nguyên nhân phần lớn do sinh hoạt xả thải hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó nguyên nhân xả thải của các khu công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.

 Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM, ghi nhận các ý kiến phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp của chuyên gia để cùng các cơ quan hữu quan, địa phương có liên quan cũng như bộ ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp có giá trị để “cứu” sông Sài Gòn-Đồng Nai.

Các tin khác