Cứu bất động sản bằng tiền hay chính sách?

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, nếu Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị chính thức được ban hành, thị trường căn hộ sẽ tăng tính thanh khoản.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, nếu Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị chính thức được ban hành, thị trường căn hộ sẽ tăng tính thanh khoản.

“Cứu” thị trường bất động sản bằng chính sách

Theo Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến, một dự án chung cư phải có tối thiểu 30% số lượng căn hộ có diện tích từ 45-70m2; 40% căn hộ có diện tích 70-90m2. Còn lại, 30% số căn hộ có diện tích lớn hơn 90m2.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp phải có vốn sở hữu đưa vào công trình ít nhất là 30% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng và phải có xác nhận từ phía ngân hàng đảm bảo đủ vốn thực hiện dự án.

Mặc dù Dự thảo mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng nó đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp và chuyên gia BĐS. Trong đó, không ít ý kiến kỳ vọng, những quy định trong Dự thảo khi được áp dụng sẽ giúp thị trường căn hộ chuyển sang một trang mới.

Ông Nguyễn Anh Đạt, Giám đốc CTCP BĐS Tấc Vàng cho rằng, trong lúc thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, việc xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị giống như việc Chính phủ đang muốn “cứu” thị trường BĐS bằng chính sách, thay vì bằng tiền.

Theo ông Đạt, một khi Nghị định được ban hành và đi vào thực tế, thị trường căn hộ sẽ phát triển cân đối hơn, thanh khoản phân khúc căn hộ sẽ cải thiện đáng kể khi xuất hiện nhiều hơn các căn hộ có giá phù hợp với nhu cầu số đông người dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BĐS cũng sẽ được thanh lọc, bởi khi ấy, chỉ có những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính mới có khả năng tham gia đầu tư vào thị trường căn hộ.

Khó làm thay đổi xu hướng giảm giá căn hộ

Bên cạnh các ý kiến kỳ vọng, Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị một khi được ban hành sẽ là cứu cánh của thị trường căn hộ vốn trầm lắng như hiện nay, thì cũng có không ít ý kiến cho rằng, rất khó để Nghị định có tác động ngay đến thị trường BĐS.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn BĐS NaViGat cho rằng, ngay cả khi Nghị định này được ban hành trong thời gian này, thị trường căn hộ vẫn tiếp tục khó khăn, chứ rất khó có sự thay đổi đột biến. Theo ông Quang, một dự án mới ra  đời cần có một quy trình, mất rất nhiều thời gian nên Nghị định này khó làm thay đổi ngay xu hướng giảm giá trên thị trường BĐS.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long cho rằng, ngay cả khi Nghị định được ban hành thì cũng phải vài năm nữa mới có tác động tới thị trường căn hộ. Bởi theo ông Việt, hiện nguồn cung từ các dự án căn hộ đã quá nhiều, nên thị trường cần phải có một thời gian nhất định để “tiêu hóa” hết lượng sản phẩm từ các dự án đã và đang được triển khai.

Cũng theo ông Việt, thị trường BĐS Hà Nội đang chứng kiến làn sóng giảm giá mạnh trên cả phân khúc đất nền và căn hộ. Nguyên nhân của việc hạ giá này được ông Việt lý giải là do các nhà đầu cơ, những người đang nắm phần lớn sản phẩm trên thị trường sẽ bán ra sau một thời gian dài cầm cự. Vì vậy, làn sóng hạ giá có thể mạnh hơn trong thời gian tới.

Các tin khác