Chung cư làm văn phòng: Bắt cóc bỏ đĩa?

Sự thiếu nhất quán trong việc cấm hay mở đối với việc sử dụng chung cư làm văn phòng đang khiến vấn đề này trở nên rắc rối và gây nhiều bàn cãi, dù Bộ Xây dựng đã có dự thảo thông tư với các cơ chế “thoáng” hơn cho loại hình này.

Sự thiếu nhất quán trong việc cấm hay mở đối với việc sử dụng chung cư làm văn phòng đang khiến vấn đề này trở nên rắc rối và gây nhiều bàn cãi, dù Bộ Xây dựng đã có dự thảo thông tư với các cơ chế “thoáng” hơn cho loại hình này.

Nhộn nhịp thuê chung cư làm văn phòng

 Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Theo khảo sát của ĐTTC, không phải sau khi Bộ Xây dựng có dự thảo thông tư cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng, các chung cư mới tấp nập và công khai cho thuê làm văn phòng. Thực tế, sau thời gian lo lắng do Bộ Xây dựng cấm cuối năm 2009, các doanh nghiệp (DN), tổ chức thuê văn phòng tại khu chung cư đã hoạt động bình thường.

Hầu hết khu chung cư trên địa bàn Hà Nội đều có phòng chuyển đổi cho thuê. Mật độ dày đặc phải kể đến chung cư Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy… Chung cư Trung Hòa - Nhân Chính từ lâu được mệnh danh “thiên đường” văn phòng cho thuê.

Các khu như Vimeco, Linh Đàm, đường Ngọc Khánh, khu Cầu Giấy… tấp nập nhân viên văn phòng. Thậm chí những chung cư cũ như Thành Công, Khương Thượng cũng được thuê lại, sửa chữa thành văn phòng giao dịch.

Một lãnh đạo DN tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, cho biết công ty mở văn phòng ở đây được 3 năm. Thời điểm bị cấm công ty cũng định xuống phố thuê, nhưng thấy các đơn vị khác vẫn “yên vị” nên cứ ở lại. Giá tiền thuê nhà hơn 500USD/tháng cũng dễ thở hơn các khu cao ốc hay nhà mặt phố.

Theo ý kiến chuyên gia BĐS, việc cấm sử dụng chung cư làm văn phòng rất khó thực hiện triệt để. “Không cấm được vì Bộ Xây dựng đã không làm triệt để. Ra văn bản nhưng rồi sau đó lại không kiểm tra, chấn chỉnh. Nếu có những tiêu chí rõ ràng và sự sàng lọc nghiêm túc, chắc chắn mọi việc sẽ khác”- ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết.

Nên hay không?

Như vậy, việc cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng là sự nhượng bộ của ngành chủ quản xây dựng so với “cấm tiệt” trước đây. Nhưng, vẫn có sự bất cập ngay trong nội dung dự thảo khi Bộ Xây dựng “nới tay” với việc cho sử dụng chung cư làm văn phòng, đồng thời “cấm làm văn phòng môi giới việc làm, nhà đất và các cơ sở đào tạo”.

Điều này khiến nhiều ý kiến bức xúc, bởi “đã cấm phải cấm hết, mở phải công bằng với DN, không thể “con yêu con ghét”, như một DN đã thẳng thắn bày tỏ.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng không ban hành thông tư quy định việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng. Theo ý kiến của Sở Xây dựng TPHCM, việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng là không hợp lý, sai mục đích và công năng sử dụng, gây ảnh hưởng đến toàn bộ công trình.

Trường hợp khu chung cư có nhiều chủ sở hữu cùng cho thuê căn hộ làm văn phòng sẽ phá vỡ chức năng quy hoạch so với khi duyệt thiết kế. Ngoài ra, việc này còn làm tăng quy mô dân số, lưu lượng người ra vào chung cư, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hạ tầng giao thông.

Riêng các điều kiện để sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng theo dự thảo của Bộ Xây dựng (diện tích sử dụng bình quân trên 8m²/người và được các chủ sở hữu, sử dụng cùng tầng cũng như 2/3 số hộ dân trong block chung cư ký tên đồng ý vào văn bản cam kết do người đại diện văn phòng lập), Sở Xây dựng TPHCM cũng cho rằng không hợp lý và thiếu tính khả thi.

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết việc sử dụng chung cư làm văn phòng không phải là vấn đề mới ở các nước. Các DN chỉ vài ba nhân viên lại phải thuê mặt bằng ở phố sẽ tốn kém chi phí. Ngược lại, DN có số lượng nhân viên 30-40 người sẽ làm tăng tải trọng và công năng tòa nhà lên nhiều lần.

Cũng theo ông Hùng, Bộ Xây dựng không nên đặt vấn đề số lượng người dân đồng ý vì điều này khó khả thi. Không thể phủ nhận việc hạn chế chung cư thực hiện các chức năng kinh doanh nhằm tránh sự cố, hệ lụy về môi trường, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư trong đó.

Tuy nhiên, nhiều người mong muốn khi đã ra chính sách quản lý, phải làm sao để thực hiện một cách triệt để. Bởi dù có cấm, người dân vẫn có nhiều chiêu “lách”. Và khi không quản được, lại cấm, vòng luẩn quẩn này đến bao giờ mới gỡ được.

Các tin khác