Chung cư Keangnam - Người giàu cũng... khổ

Sống ở chung cư cao cấp tại Hà Nội với giá mua đến hàng nghìn USD/m2 chưa chắc đã sướng. Điều này thể hiện rõ qua hàng loạt vụ kiện tụng của cư dân tại các khu nhà triệu đô. Mới đây, cư dân khu căn hộ sang trọng bậc nhất Hà Nội - Keangnam Landmark Tower - đã phải khiếu nại chủ đầu tư.

Sống ở chung cư cao cấp tại Hà Nội với giá mua đến hàng nghìn USD/m2 chưa chắc đã sướng. Điều này thể hiện rõ qua hàng loạt vụ kiện tụng của cư dân tại các khu nhà triệu đô. Mới đây, cư dân khu căn hộ sang trọng bậc nhất Hà Nội - Keangnam Landmark Tower - đã phải khiếu nại chủ đầu tư.

Phí cao nhưng không kèm trách nhiệm

Tòa nhà Keangnam.
Tòa nhà Keangnam.

Các cư dân cho rằng Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND TP Hà Nội. Phí giữ ô tô 1.462.000 đồng/chiếc và xe máy 104.000 đồng/chiếc mỗi tháng, trong khi quy định của TP là ô tô 875.000 đồng và xe máy 45.000 đồng. Phí quản lý đến 0,99USD/m2, xấp xỉ 21.000 đồng/m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay.

Theo nhiều cư dân Keangnam, mặc dù được tiếng sống trong căn hộ hiện đại bậc nhất nhưng họ hoàn toàn không thấy tiện nghi và sang trọng như quảng cáo, bởi chất lượng căn hộ không cao cấp, thang máy hay bị tắt máy lạnh, nước ngập do hệ thống chữa cháy có vấn đề, việc kiểm tra an ninh quá khắt khe gây phiền hà cho khách đến…

Tại buổi đối thoại giữa cư dân Keangnam và chủ đầu tư cuối tuần trước, một khung cảnh khá nhốn nháo đã diễn ra khi người dân đồng loạt yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình đối với từng thắc mắc của cư dân. Còn đại diện chủ đầu tư, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Keangnam Vina, lại cho rằng người dân cần phải lập ra ban quản trị để đại diện.

Theo ông Ha Jong Suk, với mức phí 0,99USD/m2, phí quản lý công ty thu về 119.894USD/tháng, nhưng công ty phải chi cho các khoản chi phí lao động, thông tin, phí pháp đình, phí ngoại cảnh, bảo hiểm, xử lý nước thải… lên tới 133.082USD/tháng. Vì vậy, mỗi tháng công ty phải chịu thiệt 13.188USD và một năm 158.255USD (khoảng 3,2 tỷ đồng). Nhưng trên thực tế, hiện tại chỉ có 230 căn hộ mới chuyển đến ở nên phí quản lý công ty thu được rất ít, trong khi phí phải chi lại không giảm nhiều.

Về việc thu phí nhà xe của Keangnam, ông Han cho biết chi phí xây dựng nhà xe gồm 2 tầng hầm và 7 tầng nổi với các hệ thống đi kèm gần 43,5 triệu USD. Bên cạnh đó, còn nhiều loại chi phí khác như khấu hao tài sản, vệ sinh, vận hành, bảo hiểm… một tháng khoảng 88.000USD. Do vậy, Keangnam căn cứ vào đó thu phí xe máy và ô tô để thu hồi vốn.

Cư dân Keangnam cho rằng mức phí đó quá cao. Chị Trịnh Thúy Mai, Trưởng ban đại diện lâm thời của cư dân Keangnam, cho hay: Mức phí cao chót vót nhưng cách quản lý không tương xứng. Chủ đầu tư ghi rõ người dân có trách nhiệm tự bảo quản các tài sản cá nhân bên ngoài, bên trong tòa nhà và không thể yêu cầu công ty quản lý bồi thường khi xảy ra mất mát hoặc hư hại.

Ngoài ra, công ty quản lý không chịu trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại, trộm cướp, tai nạn hoặc thương tật trong và ngoài tòa nhà. Như vậy tại sao cư dân phải đóng phí quản lý vận hành cao chót vót trong khi công ty quản lý không chịu bất cứ trách nhiệm gì với cư dân.

Chưa kịp thích nghi

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua một căn hộ, dĩ nhiên người dân có những đòi hỏi chính đáng về dịch vụ mình được thụ hưởng. Tuy nhiên, theo nhiều cư dân, phần lỗi chưa chắc đã nằm 100% ở chủ đầu tư. Chính việc chưa quen với những thiết bị cao cấp và hiện đại được trang bị đã khiến cho phương tiện để thụ hưởng cuộc sống một cách thoải mái trở thành rào cản gây phiền hà thực sự.

Thí dụ điển hình như việc người dân phàn nàn về việc phải quẹt thẻ khi vào tòa nhà, rõ ràng đây là một biện pháp văn minh và tiện dụng. Thế nhưng một số người dân vẫn quen với  lối sống như đang ở trong khu dân cư, tự nhiên quên mua… nước mắm, chạy xuống rồi chạy lên lại không mang thẻ.

Rõ ràng, sống ở đâu phải quen với đẳng cấp ở đó, không thể sống trong chung cư hiện đại bậc nhất lại cứ hành xử như đang sống trong chung cư cũ nát.

Cũng liên quan đến việc ứng xử của người dân, một thành viên trong ban quản lý tòa nhà Keangnam cho rằng nhiều hộ dân chưa quen với những quy định ở đây. Thí dụ quy định phải phân loại rác để tái chế, nhưng nhiều người vẫn hay vứt lẫn lộn.

Ở Việt Nam đã có rất nhiều căn hộ được xem là cao cấp, triệu đô với những trang thiết bị hiện đại và đi kèm với mức phí cũng “khủng” không kém. Tuy nhiên, không phải cư dân nào cũng cảm thấy thích hợp với lối sống ở nơi đây, kèm theo chi phí hàng tháng quá đắt đỏ đã nảy sinh những vụ khiếu kiện kéo dài.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư và người dân nên bàn bạc kỹ, thống nhất có thể cắt giảm những khoản nào để giảm chi phí thay vì tranh cãi kéo dài.

Các tin khác