Chưa thể khởi động monorail

Một vài năm trước, ngành giao thông đã tổ chức nhiều hội thảo tìm hiểu phát triển mô hình tàu điện một ray (monorail), cơ hội để giải bài toán quá tải giao thông tại 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM song song với đầu tư xe buýt, hệ thống xe buýt nhanh (BRT), metro, tramways.

Một vài năm trước, ngành giao thông đã tổ chức nhiều hội thảo tìm hiểu phát triển mô hình tàu điện một ray (monorail), cơ hội để giải bài toán quá tải giao thông tại 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM song song với đầu tư xe buýt, hệ thống xe buýt nhanh (BRT), metro, tramways.

Bởi trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông hạn chế, dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng như xe buýt còn yếu và thiếu, chưa an toàn, năng lực vận chuyển thấp, việc đầu tư thêm hệ thống monorail góp phần giải quyết bài toán giao thông hiện nay.

Ưu điểm của tàu một ray là không chiếm nhiều không gian xây dựng do chạy trên thanh dầm cố định và trên cao nên chỉ cần những khu đất nhỏ để đặt trụ đỡ dầm. Thời gian thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến giao thông hiện hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về tác động môi trường, đây là loại hình vận tải thân thiện môi trường vì chạy bằng điện, không gây ô nhiễm. Tàu chạy êm, không gây tiếng ồn nhờ sử dụng bánh xe cao su. Về độ an toàn, tàu ôm lấy đường ray nên hiếm xảy ra sự cố trật bánh. Khai thác tàu một ray đem lại hiệu quả lớn, trong khi chi phí đầu tư rẻ, thấp hơn nhiều so với đầu tư các tuyến metro.

Hệ thống tàu điện một ray (monorail) tại Australia.

Hệ thống tàu điện một ray (monorail) tại Australia.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, mới đây Bộ Giao thông-Vận tải lại “nhắc nhở” Hà Nội và TPHCM nên sớm nghiên cứu triển khai monorail.

Theo đó, Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị Hà Nội và TPHCM xem xét bổ sung thêm loại hình monorail vào quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị, tìm kiếm nhà đầu tư khảo sát các trục giao thông có lưu lượng hành khách 300.000-400.000 hành khách/ngày.

Tại TPHCM, đề án phát triển tuyến monorail được UBND TPHCM giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP nghiên cứu và triển khai. Theo kế hoạch, năm nay sẽ khởi công xây dựng một hai tuyến monorail.  Năm 2011, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đã ký văn bản hợp tác đầu tư xây dựng tuyến monorail số 2, 3 và 4 với Tập đoàn phát triển Ý - Thái (ITD).

ITD sẽ vay thông qua Ngân hàng Standard Chartered 4,55 tỷ USD để thực hiện các dự án. Các tuyến monorail 2, 3 sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP, cho biết 2 dự án monorail số 2 và số 3 chưa thể khởi công trong năm nay do gặp một số vướng mắc trong việc tìm nhà đầu tư, thu xếp vốn.

Các dự án đầu tư monorail hiện đang trong thời gian chuẩn bị dự án đầu tư và cần vài năm để hoàn thành, khi đó mới tính đến chuyện khởi công. Một số chuyên gia cho rằng, monorail là giải pháp hữu hiệu cho giao thông đô thị hiện nay. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ các yếu tố kỹ thuật lẫn tính kinh tế nếu không sẽ gây tác dụng ngược và lãng phí.

Theo quy hoạch, tuyến monorail số 2 dài 13,75km xuất phát từ đại lộ Võ Văn Kiệt và trục đường Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), vượt sông Sài Gòn (tại vị trí cầu Thủ Thiêm) băng qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Từ cổng khu chế xuất Tân Thuận, tuyến số 2 chạy dọc dải phân cách đường Nguyễn Văn Linh rẽ vào nhà ga Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Tuyến số 3 dài khoảng 6,65km, bắt đầu tại vòng xoay ngã 6 Gò Vấp (quận Gò Vấp), đi theo đường Quang Trung đến trước Công viên phần mềm Quang Trung và rẽ vào nhà ga, đặt tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12. 

Các tin khác