Chống ngập Tân Sơn Nhất: Cần cuộc đại phẫu

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) liên tiếp xảy ra ngập nước các bãi đỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm chuyến bay, không chỉ uy hiếp an toàn hàng không mà thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Điều đáng nói, những trận mưa chỉ hơn 100mm nhưng khu vực sân bay đã ngập ở độ sâu 20-40cm.

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) liên tiếp xảy ra ngập nước các bãi đỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm chuyến bay, không chỉ uy hiếp an toàn hàng không mà thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Điều đáng nói, những trận mưa chỉ hơn 100mm nhưng khu vực sân bay đã ngập ở độ sâu 20-40cm.

Chống ngập chỉ tạm thời

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) TSN, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do kênh thoát nước xung quanh sân bay bị người dân lấn chiếm xây nhà, gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến khi mưa to nước bên trong sân bay không thoát được. Ngoài ra, tại hướng thoát nước ở khu vực cửa ngõ từ kênh A41 ra mương Nhật Bản (quận Tân Bình) chưa đảm bảo tiêu thoát nước, nên mưa xuống các tuyến đường kết nối với sân bay như Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng… cũng bị ngập theo.  

Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương, đồng thời phải mời các chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết sâu về quy hoạch chống ngập đô thị để cùng ngồi lại bàn bạc và đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn và khoa học. Để chống ngập cho sân bay TSN cần một cuộc đại phẫu, không thể đưa ra các giải pháp khơi khơi như hiện nay.

TS. Phạm Sanh

Theo ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, liên tiếp những trận mưa gần đây dù chỉ ngập một số vị trí đỗ máy bay, nhưng nếu không có giải pháp chống ngập hữu hiệu, nguy cơ ngập đường băng rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hàng không. Vì thế cần giải quyết ngay tình trạng lấn chiếm làm tắc nghẽn các kênh thoát nước, khơi thông dòng chảy xung quanh sân bay, còn về lâu dài cần xây cống hộp mới giải quyết được ngập.

 Trước tình trạng báo động này, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp tìm giải pháp chống ngập cho sân bay TSN. Cụ thể, tại 6 vị trí có đoạn cống băng ngang đường trên rạch A41 và phương án thoát nước tạm; TP giao Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước cùng Công ty Thoát nước đô thị tiến hành cải tạo, thay thế các đoạn cống thoát nước. Trước đó, Cảng HKQT TSN đã nhiều lần gửi công văn kêu cứu các cơ quan chức năng vào cuộc để nhanh chóng giải quyết. Đơn vị cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chỉ đạo việc giải tỏa những khu vực xây dựng lấn chiếm 2 bờ kênh A41, đặc biệt là các vị trí thượng nguồn.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, TS. Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, khẳng định đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và chắp vá, không thể giải quyết bài toán ngập tổng thể cho sân bay TSN thời gian tới. Bởi mới chỉ trận mưa đạt vũ lượng hơn 100mm sân bay TSN đã bị ngập sâu trên diện rộng là điều khó chấp nhận và rất đáng báo động, cần được giải quyết triệt để và nhanh chóng. Việc bây giờ cần làm là các cơ quan chức năng liên quan ngồi lại với nhau đưa ra các giải pháp tổng thể và lộ trình rõ ràng để chống ngập thay vì cứ đổ lỗi cho nhau.

Cần giải pháp khoa học hơn

Mới đây, UBND TP có chủ trương sẽ cân đối vốn để triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, giúp sân bay thoát ngập. Còn UBND quận Tân Bình đề xuất TP thực hiện dự án cải tạo mương Nhật Bản để giải quyết ngập cho sân bay, với tổng vốn đầu tư khoảng 360 tỷ đồng.

Theo TS. Phạm Sanh, quy hoạch thông lệ về hệ thống thoát nước của các sân bay quốc tế trên thế giới, sân bay phải có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh và được quy hoạch với tầm nhìn trên 100 năm. Vì thế, muốn chống ngập triệt để cho sân bay TSN, trước hết cần nhìn lại vấn đề quy hoạch thoát nước từ trước đến nay để có những giải pháp khoa học. Cụ thể, trước năm 1975, sân bay TSN rộng hơn 2.500ha và được đảm bảo bởi một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Theo đó, trong sân bay có hồ điều tiết nước, các hướng thoát nước đi theo 2 trục ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát. Tuy nhiên, hiện sân bay TSN bị lấn chiếm với diện tích chỉ hơn 800ha (bằng 1/3 so với trước năm 1975), trong đó đường Út Tịch và kênh Hy Vọng (hướng thoát nước từ sân bay ra 2 trục kênh của TP) bị người dân lấn chiếm nên đã bít hết dòng chảy.

Sân bay TSN bị ngập trong sau một trận mưa.

Sân bay TSN bị ngập trong sau một trận mưa.

Trao đổi với ĐTTC, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước (Trung tâm Chống ngập nước TPHCM), cho rằng để giải quyết ngập cho sân bay TSN đòi hỏi dòng chảy ở tuyến mương Nhật Bản, Hy Vọng, A41 phải được thông thoáng. Trung tâm chống ngập đang gấp rút triển khai dự án cải tạo tuyến mương Nhật Bản. Dự án đã khởi công vào tháng 5 vừa qua và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9 này, bảo đảm việc tiêu thoát nước theo hướng sân bay ra đường Nguyễn Kiệm. Về lâu dài, triển khai dự án cải tạo kênh Hy Vọng nằm trong dự án quản lý rủi ro ngập, dự kiến khởi công năm 2017 và hoàn thành năm 2019.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết cơ quan này đang phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP và Cảng vụ Hàng không TSN tìm giải pháp chống ngập hiệu quả nhất. Trước mắt sẽ xây dựng hồ điều tiết trong sân bay để chống ngập. Giải pháp này có mặt bằng sẵn để thực hiện ngay. Theo ý kiến nhiều chuyên gia hạ tầng giao thông đô thị, để chống ngập cần cập nhật và sửa đổi lại các quy chuẩn, số liệu quy hoạch chống ngập cho đô thị, vốn đã bị lạc hậu so với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay.

Nhiều nguyên nhân gây ngập

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, PCT Hội Quy hoạch-phát triển TPHCM

Sân bay bao giờ cũng đặt ở nơi cao nhất, đảm bảo không bị ngập vì nó là lối thoát cuối cùng cho những thứ quan trọng (con người, tài liệu, tài sản quốc gia) khi xảy ra sự cố. Năm 1930, sau khi tính toán các dữ liệu về địa chất, người Pháp quyết định chọn làng Tân Sơn Nhất, nơi được coi là cao nhất Sài Gòn để xây dựng sân bay và yên tâm rằng nó không bao giờ bị ngập. Thực tế từ trước đến những năm 80, sân bay TSN chưa bao giờ xảy ra ngập nước khi trời mưa to. Nhưng từ năm 1980, khu vực xung quanh sân bay này bắt đầu bị lấn chiếm với tốc độ rất nhanh. Các khu dân cư, siêu thị, cao ốc, nhà hàng, công ty, khách sạn... mọc lên bao vây sân bay, thậm chí lấn cả vào trong các khu đất của sân bay. Cùng với đó là quá trình bêtông hóa bề mặt, phần lớn các kênh mương hở thoát nước bị lấp. Và như vậy việc sân bay bị ngập khi mưa do nước thoát không kịp là tất yếu. Nhất là vào mùa mưa, mỗi năm TPHCM thường có có 4-5, thậm chí 7-8 trận mưa trên 100mm. Trận mưa lớn nhất từng xảy ra tại TP hơn 200mm (trận mưa chiều tối 26-8 mới 120-135mm). Câu hỏi đặt ra: Liệu TSN còn bị tê liệt bao nhiêu lần nữa vì mưa? Nó có thể chịu nổi trận mưa có lượng mưa hơn 200mm trong thời gian 2 giờ?

Có ý kiến cho rằng tình trạng ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua do sân golf được xây dựng trong sân bay, điều này chưa chính xác. Bởi theo tôi được biết, trên tổng diện tích toàn bộ sân golf 157ha, số lượng hồ điều tiết chiếm khoảng 15ha, tức gần 10%. Các hồ này được xây dựng rải rác trong sân golf có chức năng chứa nước tưới tiêu cũng như chứa nước khi có mưa. Điều này có thể khẳng định, khi có mưa toàn bộ lượng nước mưa trên bề mặt sân golf được chảy về chứa trong các hồ này, không thể tràn ra ngoài. Ngoài ra bề mặt sân golf phần lớn là cỏ và cát nên rút nước rất tốt.

Một chuyện đáng lưu tâm nữa là ít sân bay nào trên thế giới lại chỉ có con đường độc đạo dẫn vào sân bay như ở TSN. Xung quanh sân bay có khá nhiều đường như Thăng Long, Phổ Quang, Phan Đình Giót... nhưng để vào được sân bay phải tiếp cận đường Trường Sơn. Con đường đã không lớn, nhưng lại dành đất cho dải phân cách cây xanh và vỉa hè quá nhiều. Thêm nữa 2 bên đường dày đặc cửa hàng, nhà hàng, siêu thị thu hút đông khách, lúc nào trên mặt đường cũng có hàng chục taxi, xe hơi đậu đợi khách, đã làm giảm lưu tốc trên đường. Các cộng hưởng cùng lúc: khách ra vào sân bay vào giờ cao điểm, người đi làm về vào giờ tan tầm và đúng lúc mưa lớn kết hợp triều cường dâng… nên chuyện “chết đứng” là điều đương nhiên.

Trước mắt, phải khai thông lại các dòng kênh, mương hở xung quanh sân bay, thay các ống cống quá nhỏ bằng cống có tiết diện lớn hơn. Những nơi đã tráng bêtông xét thấy không cần thiết trả lại làm thảm cỏ, mương thấm. Cần nghiên cứu ngay việc làm các hồ chứa nước tạm có quy mô lớn ở cạnh sân bay hoặc ngay trong sân bay, dưới những công trình nhà xưởng có tải trọng nhẹ. Triển khai sớm đường trên cao suốt tuyến từ điểm giao trước Bộ Tư lệnh Quân khu 7 qua đường Trường Sơn, nối thông đường Thăng Long, đường Hoàng Hoa Thám vào đến sân bay. Phá bỏ ngay phần cây xanh phân tuyến dọc đường Trường Sơn bằng dải phân cách kim loại để lòng đường mở rộng thêm.

Một chuyện quan trọng khác là hiện nay khu vực này trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản, hàng chục cao ốc đã và đang mọc lên với hàng chục ngàn dân cư trú, kéo theo là hàng trăm ngàn dân đến sử dụng dịch vụ sẽ làm cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá tải. Với thực trạng này, đã đến lúc lãnh đạo TP và các bộ phận chức năng cần hạn chế phát triển BĐS ở khu vực này. Cần hành động nhanh và quyết liệt, nếu không khách quốc tế sẽ rời bỏ chúng ta và TSN sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” nữa.

Các tin khác