Chờ buýt đường sông

(ĐTTCO)-Nếu không có gì thay đổi, 2 tuyến buýt đường sông đầu tiên trên địa bàn TPHCM sẽ đi vào khai thác trong tháng 7 tới đây.
 
Chờ buýt đường sông
Cách đây gần 2 năm, tháng 10-2015, UBND TPHCM đã phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng đường thủy trên địa bàn thành phố”, tức buýt đường sông.
Theo phê duyệt này, dự án nhằm phát triển 2 tuyến buýt đường sông tiên phong đi theo các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ, thủy trình qua 8 quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến buýt đường sông số 1 dài khoảng 10,8km, có thủy trình bắt đầu từ Bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn để đến khu vực phường Linh Đông thuộc quận Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Tuyến này có 7 bến đón trả khách, dàn trải qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Tuyến buýt đường sông số 2 dài khoảng 10,3km có thủy trình cũng bắt đầu từ Bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé rồi kết thúc tại khu vực Bến Lò Gốm thuộc phường 7, quận 6. Tuyến buýt đường sông số 2 cũng gồm 7 bến đón trả khách, các bến này nằm trên địa bàn các quận 1, 4, 5, 6 và 8. Tại các bến đón trả khách đều có ki-ốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh.
Quy mô đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 10 phương tiện buýt đường sông; trong đó, tuyến buýt đường sông số 1 có sức chứa 60 hành khách/phương tiện, tuyến buýt đường sông số 2 có sức chứa 30 chỗ. Trong giai đoạn hoạt động tiếp sau đó, có cần đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn hay không sẽ tùy thuộc vào nhu cầu vận hành trên từng tuyến.
Dự án phát triển 2 tuyến buýt đường sông này sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (xây dựng - sở hữu - chuyển giao), gọi tắt là hợp đồng BOO. Trong tổng số vốn đầu tư của dự án 124,5 tỷ đồng, thì vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20%, số còn lại đến từ nguồn thuê mua tài chính và tín dụng.
Đầu tháng 8-2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có Quyết định số 3944/QĐ-SGTVT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 tuyến buýt đường sông nói trên. Theo đó, Công ty TNHH Thường Nhật trở thành nhà đầu tư chính thức cho 2 tuyến buýt đường sông này.
Theo tính toán của những người trong cuộc, nếu TPHCM xây dựng xong các tuyến VTHKCC đường thủy và thu hút được người dân chuyển sang sử dụng buýt sông (thay vì phương tiện giao thông cá nhân đường bộ như hiện nay) sẽ giúp tiết kiệm cho thành phố gần 1,5 triệu USD/ngày do nạn kẹt xe gây ra. Không những thế, đáng chú ý là về mặt địa lý tự nhiên, điều kiện sông nước trên địa bàn thành phố, có thể xem như món quà tặng của tạo hóa cho VTHKCC đường sông bởi vì luồng lạch tự nhiên rất thuận lợi để có thể từ trung tâm thành phố tỏa đi 4 hướng bằng đường thủy.
Một trong những vấn đề được quan tâm là giá vé buýt đường sông có thỏa đáng cho nhà dầu tư và có hấp dẫn hành khách hay không. Cách đây 6 năm, trong đề án ban đầu, nhà đầu tư đề xuất giá vé hành khách vào khoảng 15.000 đồng/vé. Mức giá vào thời điểm đó đã được nhà đầu tư coi là “không thể thấp hơn được nữa”. Theo thông tin mới nhất, đó cũng là giá vé sẽ được ấn định cho 2 tuyến buýt đường sông sắp đi vào hoạt động.
Nói gì thì nói, buýt đường sông là một trong những xu thế phát triển tất yếu; đặc biệt, đối với siêu đô thị như TPHCM lại càng không thể chỉ hạn hẹp, dồn toàn bộ trách nhiệm giải quyết giao thông đi lại chỉ lên loại hình giao thông xe buýt đường bộ.
Hiện nay, việc triển khai đang được thúc đẩy để kịp đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 1 vào tháng 7 tới đây và đến cuối năm nay sẽ chính thức khai thác tuyến buýt đường sông số 2.

Các tin khác