Chỉnh trang đô thị - Không phải giấc mơ cổ tích

(ĐTTCO)-Năm mới Đinh Dậu  2017, người dân TPHCM vẫn tiếp tục mong mỏi đô thị TP sẽ hết nhà lụp xụp; vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước… được cải thiện đáng kể. Mong mỏi ấy có thể sẽ không quá xa vời, bởi lẽ đã có bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn và những điều kiện mới mà Sài Gòn hôm qua - TPHCM hôm nay vừa đón nhận.

(ĐTTCO)-Năm mới Đinh Dậu  2017, người dân TPHCM vẫn tiếp tục mong mỏi đô thị TP sẽ hết nhà lụp xụp; vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước… được cải thiện đáng kể. Mong mỏi ấy có thể sẽ không quá xa vời, bởi lẽ đã có bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn và những điều kiện mới mà Sài Gòn hôm qua - TPHCM hôm nay vừa đón nhận.

“Lọ lem thành công chúa”

Nhìn quận 4 khang trang, hiện đại của ngày hôm nay, không mấy ai hình dung một quận chỉ cách trung tâm TP một con kênh này lại có một thời không chỉ nổi tiếng với các khu nhà lụp xụp và những băng nhóm du đãng khét tiếng…

“Những năm cuối 1970, đầu 1980, người dân TP gọi vui quận 4 là vùng đất nhiều cái không: không đèn giao thông, không biệt thự, không công viên…”, đồng chí Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nguyên Chủ tịch UBND quận 4 nhớ lại.

 

Vậy mà, quận 4 từ “cô gái lọ lem đã thành nàng công chúa” bằng quyết định chỉnh trang đô thị của lãnh đạo TP lúc bấy giờ: Giải tỏa tất cả các khu xập xệ và tái bố trí lại dân cư theo hướng nén lại trong các cao ốc. “Lúc quyết định đưa người nghèo tại các khu vực xập xệ vào sống trong chung cư, nhiều người đã góp ý với tôi là liệu mô hình ở mới có phù hợp với người nghèo? Cũng trăn trở, đắn đo nhiều. Thế nhưng, lãnh đạo TP và lãnh đạo quận 4 vẫn quyết tâm làm.

Chúng tôi đã cho xây thêm một số tiện ích trong chung cư để phù hợp với nhu cầu ở của những người có thu nhập thấp; làm thêm tầng hầm giữ xe và giữ luôn cả đồ buôn bán hàng ngày cho người dân sống trong chung cư… là một ví dụ. Thấy mô hình ở mới phù hợp với mình, nhiều người nghèo đã đồng ý di dời, nhường đất cho quận chỉnh trang đô thị”, đồng chí Nguyễn Thành Tài kể.

Nhờ sự đồng thuận của người dân, công tác chỉnh trang đô thị diễn ra suôn sẻ trên toàn quận 4. Phần đất dôi ra sau khi “vun dân” vào các cao ốc đã được dành xây trường, làm công viên, làm đường... Nhờ vậy, hầu hết các tuyến đường của quận 4 đã tránh được 2 vấn nạn: kẹt xe và ngập nước. Theo đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM, quận 4 cùng với quận 1, quận 3 được xác định là khu trung tâm mới của TP mang tên Bác.

Chờ “thay da đổi thịt”

TPHCM vẫn còn nhiều khu nhà lụp xụp, và đó cũng là vấn đề mà lãnh đạo TPHCM quyết tâm thay đổi, bằng việc coi chương trình chỉnh trang đô thị là một trong những chương trình đột phá của TP từ nay đến năm 2020. Thuận lợi là hiện tại tiềm năng kinh tế của TP, của doanh nghiệp tham gia vào chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển bất động sản trên địa bàn đã mạnh hơn rất nhiều.

Chương trình chỉnh trang đô thị được TPHCM xác định với có 4 nội dung chính: Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch; Xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; Chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; Xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng cần có một sự kết nối rộng hơn, đồng bộ hơn nội dung thứ 2 và thứ 3: sửa chữa chung cư cũ kết hợp “khoét lõm” khu vực là TPHCM để làm “thay da đổi thịt” cả một địa bàn rộng lớn như đã làm ở quận 4. Công tác cải tạo nhà trên kênh rạch cũng nên gắn liền với việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến kênh được chỉnh trang, cải tạo. Một phần kinh phí thu được từ khai thác quỹ đất dành xây dựng cao ốc, giúp tái định cư tại chỗ cho người dân, phần nữa để cho đầu tư phát triển TP.

Vừa qua, Chính phủ đã cho phép TPHCM được chủ động chọn nhà thầu trong việc sửa chữa chung cư cũ… Kết hợp điều này với nguồn lực mới của TP, của các doanh nghiệp tham gia hoạt động chỉnh trang đô thị, phát triển bất động sản, sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để TP thực hiện thành công chương trình chỉnh trang đô thị.

Vấn đề còn lại, như đồng chí Nguyễn Thành Tài nhận xét, phải có chương trình chỉnh trang cụ thể, thông báo rõ ràng, minh bạch tới người dân. “Ngày trước tiền đền bù không nhiều nhưng nguồn đất thu từ dân được sử dụng đúng mục đích, đúng cam kết nên được người dân ủng hộ. Với những thuận lợi sẵn có, cộng thêm việc được lòng dân thì nhất định TPHCM sẽ xóa thành công các khu nhà lụp xụp, qua đó giải quyết vấn nạn ngập nước, ùn tắc giao thông hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Thành Tài nhận xét.

Các tin khác