Chính quyền đô thị TPHCM: Phù hợp tính chất đặc biệt

Ngày 18-9, Thành ủy TPHCM  tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ, ngành trung ương về dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị. Hầu hết ý kiến đồng tình triển khai mô hình chính quyền mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của một đại đô thị. Nhưng cũng còn nhiều băn khoăn: liệu mô hình mới có khắc phục được những bất cập hiện nay, bộ máy có gọn nhẹ, quản lý nhà nước có hiệu quả hơn…?

Ngày 18-9, Thành ủy TPHCM  tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ, ngành trung ương về dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị. Hầu hết ý kiến đồng tình triển khai mô hình chính quyền mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của một đại đô thị. Nhưng cũng còn nhiều băn khoăn: liệu mô hình mới có khắc phục được những bất cập hiện nay, bộ máy có gọn nhẹ, quản lý nhà nước có hiệu quả hơn…?

4 đô thị vệ tinh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng mỗi địa phương có quy mô, điều kiện địa lý, kinh tế… khác nhau, không thể áp dụng chung một mô hình quản lý. TPHCM là một siêu đô thị hơn 10 triệu dân, là đầu tàu kinh tế- xã hội, đầu mối giao thông của cả nước, không thể có mô hình quản lý như một địa phương chỉ có hơn 1 triệu dân, chủ yếu phát triển về nông nghiệp.

Do đó Bộ Chính trị có chủ trương cho phép TP xây dựng đề án chính quyền đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển là hoàn toàn chính đáng. Mục tiêu  của đề án là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt, điều kiện vận hành của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; xây dựng các cấp chính quyền địa phương tại TPHCM phù hợp với đặc điểm phát triển không đồng đều ở các địa bàn đang đô thị hóa và nông thôn; nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm; lấy người dân làm trung tâm; xây dựng bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, gọn nhẹ…

Những ý kiến đóng góp của đại biểu TP sẽ lắng nghe, tiếp tục chỉnh sửa những bất cập, chưa hợp lý để đề án hoàn thiện hơn. Nếu được triển khai TP sẽ làm đồng bộ, tránh xáo trộn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Làm thế nào khi mô hình mới vận hành sẽ khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua.

Ông Lê Thanh Hải,
Bí thư Thành ủy TPHCM

Theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, chính quyền đô thị TPHCM sẽ được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển không đồng đều, tính chất, yêu cầu quản lý của từng địa bàn. Theo đó, mô hình là chính quyền có 2 cấp: TP trực thuộc trung ương và cơ sở gồm xã, phường và TP trực thuộc.

Trong đó, chính quyền TPHCM đóng vai trò là cấp chính quyền đô thị của 13 quận nội thành hiện hữu, có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Tại mỗi quận sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính do Chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Dưới quận có các ủy ban hành chính phường và chủ tịch ủy ban này do chủ tịch quận bổ nhiệm. Với các khu vực quận ven và huyện, TP dự kiến thành lập 4 TP mới với tên tạm gọi là Đông, Tây, Nam và Bắc. Trong đó, TP Đông sẽ bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức, diện tích hơn 211,7km2, dân số trên 890.000 người. TP Tây bao gồm quận Bình Tân, một phần diện tích phường 7 và 16 quận 8, diện tích 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh, với tổng diện tích 109,8km2, dân số trên 810.000 người. TP Nam gồm quận 7, Nhà Bè, một phẩn diện tích phường 7, quận 8 và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú của huyện Bình Chánh, với tổng diện tích 169km2, dân số trên 470.000 người. TP Bắc gồm quận 12 và huyện Hóc Môn, diện tích trên 162km2, dân số hơn 860.000 người.

Cuối cùng, mô hình chính quyền nông thôn trong đô thị đặc biệt gồm 3 huyện Cần Giờ, Củ Chi và một phần huyện Bình Chánh, với diện tích 1.304km2, dân số hơn 630.000 người.

Cần làm rõ khiếm khuyết

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết đề án này sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 11 tới. Do đó trong thời gian này các ban ngành, nhà khoa học cần nghiên cứu nghiêm túc để đánh giá mô hình còn có khiếm khuyết gì để khắc phục.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng trong quá trình vận hành những khiếm khuyết sẽ được bổ sung giải pháp để khắc phục. Xã hội luôn phát triển và mô hình quản lý cũng phải thay đổi để đáp ứng thực tiễn.

Nhưng ông Tùng cũng băn khoăn liệu mô hình mới có giải quyết một cách căn cơ những bất cập hiện nay, bộ máy quản lý có tăng, có phục vụ dân tốt hơn… cần được làm rõ. Mô hình trên chưa làm rõ được 5 mối quan hệ để xây dựng chính quyền đô thị, gồm quan hệ giữa chính quyền TP với 4 đô thị vệ tinh; lãnh đạo quản lý của chính quyền đô thị TP với 13 quận, 192 phường nội thành hiện hữu; quan hệ giữa chính quyền TP với khu vực ngoại thành và với Trung ương…

Đề án cần làm rõ về hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể trong chính quyền đô thị. Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng thành lập 4 TP với nhiều quận thu gọn làm sao để người dân hưởng lợi trực tiếp từ việc thí điểm này.

Cụ thể, gom chính quyền về một đầu mối, người dân sẽ phải đi lại xa hơn, vì thế làm sao để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân là việc cần tính toán. Mặt khác, trong các TP vệ tinh cũng bao gồm 2 mô hình chính quyền đô thị và nông thôn hợp lại, làm sao để dung hòa là vấn đề cần lưu ý.

Các tin khác