Chiến lược phát triển nhà ở người thu nhập thấp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

Theo chiến lược phát triển nhà ở, từ nay đến năm 2020 toàn quốc sẽ triển khai xây dựng tối thiểu 22,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Cụ thể, mục tiêu đặt ra cho 2 giai đoạn 2011-2015 là 10 triệu m2 và 2016-2020 là 12,5 triệu m2.

Đến năm 2020 khoảng 80% sinh viên, học sinh và 70% công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước được đáp ứng nhu cầu  chỗ ở. Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc tăng lên khoảng 25m2 sàn/người, đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người.

Tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, xóa hết nhà ở đơn sơ. Và đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người.

Thực tế nhiều năm qua tại TPHCM, trong khi các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung - cao cấp dư thừa thì nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thực trạng đó đã làm cho quan hệ cung - cầu về nhà ở vẫn mất cân đối, nảy sinh nhiều bất cập. Theo số liệu gần đây của Sở Xây Dựng TPHCM, trong số 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã đăng ký chỉ có 6 dự án đang xây dựng với tổng số 2.800 căn hộ và gần 20 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay những dự án trên vẫn còn trên giấy hoặc thi công ì ạch, khó hoàn thành trong ngắn hạn. Trong đó có thể kể đến 2 dự án 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và chung cư khu A phường Hiệp Thành (quận 12), với tổng cộng 1.713 căn hộ, do Quỹ phát triển nhà TPHCM làm chủ đầu tư.

Được biết, dự kiến đến cuối quý III-2012 dự án 35 Hồ Học Lãm và đến quý III-2013 dự án nhà cho người thu nhập thấp tại chung cư phường Hiệp Thành mới có thể đưa vào khai thác.

Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai, trong đó có thể kể đến khó khăn về vốn của chủ đầu tư, lợi nhuận thấp, trong khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và đối tượng hưởng thụ nhà ở xã hội chưa được rõ ràng.

Chẳng hạn, khi dự án hoàn thành giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước quy định, chủ đầu tư hưởng lợi nhuận theo định mức 10%. Trong bối cảnh thị trường BĐS còn ảm đạm, nhiều dự án không thể thu hồi vốn, trong khi bị ngân hàng siết chặt tín dụng…, nhà đầu tư sẽ tập trung nguồn vốn vào các dự án kinh doanh thay vì đầu tư vào những dự án nhà ở xã hội.

Bởi lẽ các dự án nhà ở xã hội thường được xây dựng theo dạng chung cư cao tầng, đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn dồi dào.

Theo các chuyên gia BĐS, để chiến lược phát triển nhà ở được triển khai một cách hiệu quả tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, cần có bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển nhà ở có quy mô nhỏ, nhà cho thuê có giá cả hợp lý dành cho các đối tượng thu nhập thấp.

Các tin khác