Chiến lược dịch chuyển của các đại gia

(ĐTTCO) - Trong năm 2019, hàng loạt đại gia địa ốc bắt đầu thay đổi địa bàn kinh doanh từ TPHCM ra các vùng lân cận, như Novaland chuyển hướng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, CTCP Đầu tư Nam Long chú trọng thị trường Long An;
 Công ty Địa ốc Phú Long lên kế hoạch làm BĐS nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa Đà Nẵng, Phú Quốc; Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển hàng chục dự án quy mô lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Lạt, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định.
Thay đổi chiến lược
Novaland là tập đoàn BĐS hàng đầu tại TPHCM với hơn 40 dự án nằm rải rác khắp các quận ở TP. Tuy nhiên, chiến lược năm 2019 của Novaland không phải nhà ở mà là BĐS nghỉ dưỡng và du lịch, tại những nơi có tiềm năng du lịch lớn như Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận, Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Lạt…
Mục tiêu của tập đoàn là phối hợp với các nhà tư vấn trong và ngoài nước, đơn vị vận hành chuyên nghiệp để tạo ra những “điểm đến tuyệt hảo” cho khách du lịch nội địa và quốc tế, biến những nơi này thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí của khu vực.
 Kích thị trường BĐS các tỉnh vùng ven phát triển mạnh trong năm 2019 nằm trong chiến lược phát triển vùng TPHCM. Thực tế, TPHCM đã có khoảng 13 triệu dân sinh sống, thị trường BĐS vùng lõi phát triển mạnh đang tạo ra gánh nặng lên hạ tầng và nhiều hệ lụy khác. Vì thế, giãn mật độ dân số ra các tỉnh vùng ven sẽ tạo cho TPHCM dư địa phát triển tốt hơn.
Ông Lê Hoàng Châu,
Chủ tịch HoREA
Tại “Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam” tổ chức ngày 6-12, Novaland đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn toàn cầu Minor Hotels quản lý vận hành 7 khu khách sạn nghỉ dưỡng, tổng số hơn 3.500 phòng; ký kết hợp tác với Công ty Greg Norman Golf Course Design phát triển 4 sân golf mang thương hiệu Greg Norman, tại chuỗi quần thể du lịch nghỉ dưỡng tích hợp tại Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết... 
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Novaland đang gấp rút nghiên cứu và chuẩn bị trình phương án quy hoạch cho dự án Vườn thú hoang dã Safari ở huyện Xuyên Mộc và khu đô thị sinh thái Tây Nam rộng 1.800ha, thuộc phường Long Hương, TP Bà Rịa. Lợi thế của khu vực này có diện tích mặt nước tự nhiên 400ha kết hợp với sông Long Hòa và sông Dinh. Dự án nằm ngay cửa ngõ vào TP Vũng Tàu và cách TPHCM hơn 1 giờ đi xe. Còn dự án Vườn thú hoang dã Safari sẽ có thêm tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp rộng hơn 500ha, gồm các khu vườn thú, công viên nước, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển…
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư LDG, cho biết năm 2019-2020 LDG sẽ hạn chế tối đa đầu tư BĐS tại TPHCM mà dịch chuyển ra các tỉnh lân cận, như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Nha Trang, Cần Thơ. Hiện LDG có khoảng 1.000ha quỹ đất, sẽ tiếp tục gia tăng quỹ đất có quy mô lớn 100-200ha trong các năm sau, dự kiến đưa ra thị trường trung bình 3.000 sản phẩm mỗi năm. Công ty chuyển dần cơ cấu kinh doanh từ sản phẩm đất nền truyền thống chuyển sang kinh doanh nhà phố, biệt thự xây sẵn.
Chiến lược dịch chuyển của các đại gia ảnh 1 Novaland và Greg Norman khảo sát dự án sân golf tại Phan Thiết. 
Giải pháp hợp lý
Việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các tỉnh lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi khu vực đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định TPHCM là đô thị trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng, kết nối 4 cực phát triển và 15 đô thị vệ tinh. Trong đó, 4 cực phát triển gồm Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Mỹ Tho (Tiền Giang). Đồng thời, còn có 15 đô thị vệ tinh thuộc các huyện của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và một phần TPHCM như Nhà Bè, Cần Giờ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng việc doanh nghiệp bất động sản hướng ra các tỉnh vùng ven phát triển là theo quy luật tất yếu của thị trường, khi tại vùng lõi TPHCM đã chật chội, tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, giúp người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn.
"Những dự án ở các tỉnh giáp TPHCM là sự lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng, bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định còn giúp khoảng cách địa lý giữa các tỉnh gần lại” - ông Châu nói.

Các tin khác