Chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị TPHCM

(ĐTTCO)-Ngày 6/10, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình xây dựng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chính là giải quyết luôn cho cả nước.

(ĐTTCO)-Ngày 6/10, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình xây dựng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chính là giải quyết luôn cho cả nước.

 

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, giữ vai trò đầu tàu kinh tế nên tốc độ đô thị hóa của thành phố phát triển nhanh, nóng trong khi kết cấu hạ tầng chưa theo kịp. Cùng với đặc thù về vị trí địa lý, biến đổi khí hậu, nước biển dâng..., những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch đã khiến thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về giao thông, ngập lụt, chỉnh trang đô thị. Vì thế, thành phố cần nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao quy hoạch đô thị.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ rà soát các dự án, dự án nào không hợp lý thì sẽ điều chỉnh ngay để tránh các dự án treo, đảm bảo cuộc sống người dân; trong đó, tại quận 9 và quận Tân Phú với tốc độ đô thị hóa nhanh, sẽ phải kiểm soát quy mô dân số.

Về chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch, hiện thành phố còn khoảng 20.000 hộ dân sống tại những khu vực này và đã di dời được hơn 36.000 hộ dân.

“Đây là hệ lụy và là bài học trong công tác quản lý mà thành phố đang phải giải quyết, vì thành phố sẽ phải cần nguồn vốn rất lớn để di dời, hỗ trợ người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm kênh rạch," ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 9 tháng của năm, thành phố đã phê duyệt điều chỉnh 18 dự án phát triển nhà ở với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng (giảm hơn 8.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015), thẩm định thiết kế cơ sở 27 dự án có tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng (tăng 6.000 tỷ đồng), đã cấp hơn 41.700 giấy phép xây dựng (giảm 4%). Từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã phát triển được 4,66 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở tăng thêm, diện tích nhà ở bình quân đạt 17,8m2/người.

Về chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện nay thành phố đã hoàn thành, bàn giao 7.220/8.550 căn, trong đó bố trí được 2.220 căn, đang làm thủ tục bàn giao 5.000 căn. Thành phố đã duyệt danh sách cho 7.560 khách hàng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không phải bằng vốn ngân sách tại 9 dự án.

Về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lũy kế từ khi thực hiện đến ngày 30/6, hạn mức tín dụng cam kết đạt hơn 8.000 tỷ đồng cho gần 11.000 khách hàng, giải ngân được 6.660 tỷ đồng. Thành phố cũng đã nhận được thông báo huy động vốn đối với hình thức bán sản phẩm hình thành trong tương lai của 47 dự án với quy mô hơn gần 24.500 căn (giá trị khoảng 59.000 tỷ đồng).

Đối với công tác quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị, thành phố đã điều chỉnh đô án quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; đang rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn quận huyện; rà soát đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; lập quy chế cấp II thiết kế đô thị riêng đồng thời tiến công khai các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường phát triển nhanh nhất của cả nước, do đó cần có sự kiểm soát tốt các dự án nhà ở, đặc biệt các dự án phân khúc cao cấp để cân đối cung cầu, tăng cường tính thanh khoản cũng như quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đối với các kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý, xây dựng chung cư cũ, ông Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng ủng hộ quan điểm ủy quyền, phân cấp nhằm tạo cơ chế mới, phá bỏ rào cản để thành phố phát huy năng lực, phát triển nhanh hơn nữa, hoàn thành chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản thành phố phát triển sôi động nhất cả nước nên những biến động của thị trường sẽ tác động chung đến cả nước.

Hiện nay, trên cả nước có 4.146 dự án, quy mô vốn khoảng 4,5 triệu tỷ đồng với diện tích đất 103.000 ha (xây dựng 3 triệu căn hộ) thì thành phố chiếm đến 29% dự án và 20% vốn của cả nước. Trong 9 tháng của năm, tỷ lệ giao dịch bất động sản thành công của thành phố đứng đầu cả nước với 11.000 giao dịch thành công.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản thành phố vẫn còn hiện tượng tăng giá thông qua chủ đầu tư thứ cấp, trung gian môi giới, lệch pha cung cầu đặc biệt tại các dự án cao cấp, thiếu phân khúc bình dân giá rẻ. Thị trường sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định nếu thành phố không kiểm soát tốt nhóm giải pháp quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất, điều tiết cơ cấu sản phẩm, thuế tài khóa, tín dụng.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng thành phố cần sớm hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở trong năm 2016 để đến năm 2017 tiến hành cấp phép các dự án theo đúng quy hoạch, công khai thông tin dự án, trong đó có dự án thế chấp ngân hàng, tăng cường thanh tra kiểm tra dự án.

Cùng với đó, thành phố cần tiến hành lập quy hoạch trước ở các quận huyện rồi mới tiến hành chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ.

Các tin khác