Cây xanh vẫn bị “bức tử”

(ĐTTCO) - Gần đây, tại TPHCM hàng loạt cây xanh tiếp tục bị “bức tử”. Đáng nói hơn, một số đối tượng tìm cách xâm hại có chủ đích, khiến cho mảng xanh TP đang đứng trước nguy cơ teo tóp. 

Xâm hại gia tăng

 Hiện Sở GTVT TPHCM quản lý khoảng 130.000 cây xanh, với khoảng 180 loài, trong đó có các loài chủ yếu như: Lim sét, bằng lăng, sao, dầu, xà cừ... Cây xanh đường phố có gần 123.000 cây, còn lại là cây xanh trong công viên. Theo chỉ tiêu phát triển công viên, cây xanh năm 2017 sẽ trồng mới 7.000 cây và tăng thêm 60.000 m2 mảng xanh trên địa bàn TP.
Mới đây, tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), một số cây xanh bỗng nhiên héo úa lá và chết dần một cách bất thường. Nghiêm trọng hơn, tại đường Bình Tiên (quận 6), cây xanh bị chặt tán lá rất ngang nhiên. Trước đó, đầu tháng 4, tổ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) khi đi tuần tra phát hiện một nhóm người đang tổ chức dùng cưa máy cắt tỉa cành lá trái phép gần 20 cây xanh trồng dọc tuyến đường (đoạn từ đường Cửu Long đến Hậu Giang). 

Trước đó, nhiều cây xanh cũng bị xâm hại trên và một số tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu (quận 1 và 3), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)… Ngoài việc bị một số đối tượng xấu cố tình đầu độc và làm chết hàng loạt, một số lượng không nhỏ cây xanh còn lại bị một số đơn vị xây dựng công trình đô thị xâm hại trực tiếp.
Đơn cử, mới đây Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Đồng Mỹ thi công nâng cấp vỉa hè tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận 3 làm chủ đầu tư) đã làm ảnh hưởng đến nhiều cây xanh hiện hữu trên vỉa hè. 

Cũng theo Sở GTVT TP, tại địa bàn các quận 1, 11, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp có tỷ lệ cây ngã đổ nhiều nhất trong những năm qua. Không những vậy, thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra cũng tăng qua từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ bị thương 2 người, thì năm 2016 đã làm chết 2 người và bị thương 9 người. 

Hàng loạt cây xanh bị xâm hại trên nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM. 

Cả năm trời không tìm ra kẻ phá hoại

Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho hay thời gian qua, trên địa bàn TP việc xâm hại cây xanh diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp như: đốn hạ trái phép, chặt ngang thân, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất để đầu độc cây chết dần. Nhiều cây xanh bị xâm hại chưa được phát hiện, chưa có phương án bảo vệ và xử lý hiệu quả; trong khi, các chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa quan tâm đến việc bảo vệ cây xanh khi làm đường, vỉa hè; việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan như viễn thông, điện lực chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Nói về khó khăn trong công tác phát hiện các vụ “bức tử” cây xanh, bà Nguyễn Thị Nhi, Phó trưởng Phòng Quản lý Công viên cây xanh (Sở GTVT TPHCM), cho biết việc phát hiện, bắt quả tang để có đủ chứng cứ xử lý đối với hành vi xâm hại cây xanh là điều không dễ dàng. Các trường hợp phá hoại cây xanh thường diễn ra lén lút, rất khó bắt quả tang. Do đó, khi phát hiện cây xanh bị xâm hại, các đơn vị quản lý cây xanh phải nhờ chính quyền địa phương, lực lượng công an để hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý. Theo bà Nhi, dù cơ quan công an vào cuộc điều tra một số vụ xâm hại cây xanh nhưng hiện vẫn chưa điều tra ra cá nhân, tổ chức nào trong các vụ xâm hại cây xanh nói trên.

Cần người dân góp sức

Để công tác bảo vệ mảng xanh đô thị tốt hơn thời gian tới, Phòng Quản lý Công viên cây xanh TP cho hay, ngoài sự nỗ lực điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, môi trường và mỹ quan đô thị. Mặt khác, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia cùng chính quyền trong công tác bảo vệ và chăm sóc cây xanh, thông qua các chương trình như: khu phố tự quản, dân tự quản... Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành và đơn vị chức năng địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi xâm hại cây xanh. 

Còn theo PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, quan trọng nhất vẫn phải có chiến lược quy hoạch về cây xanh. Theo đó, quy hoạch sẽ căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tính chất đường phố mà chọn cây phù hợp. Mặt khác, cơ quan chức năng cần xã hội hóa từng phần, từng công việc cụ thể để người dân và các tổ chức xã hội tham gia.
Cũng theo Sở GTVT TPHCM, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên, nhằm đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm, đặc biệt tại những tuyến đường tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông, khu vực đông người. 

Các tin khác