TPHCM và vùng giáp ranh

Cát tặc lộng hành

(ĐTTCO) - Tình trạng khai thác cát tại TPHCM và các vùng giáp ranh với TP vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng các dự án nạo vét có sự xã hội hóa để đưa thiết bị vào khai thác cát trái phép… 

Cuối tuần qua, TPHCM cùng các địa phương lân cận đã họp bàn các giải pháp chống cát tặc.

Diễn biến phức tạp, khó kiểm tra
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM, cho biết từ năm 2015 đến nay số vụ việc khai thác cát trái phép tại TP bị phát hiện năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2015 phát hiện và xử lý 17 vụ; năm 2016 xử lý 38 vụ; 6 tháng đầu năm 2017 xử lý 45 vụ. Trên vùng biển Cần Giờ các đối tượng sử dụng sà lan có tải trọng 500-1.000 tấn, lắp đặt các thiết bị bơm hút cát trực tiếp trên sà lan và vận chuyển đi tiêu thụ.
Ở các tuyến sông giáp ranh, các đối tượng khai thác cát neo đậu phương tiện ở các địa phương này nhưng khai thác ở địa phương khác, gây khó khăn trong việc kiểm tra. Thí dụ, các đối tượng khai thác cát vùng biển Cần Giờ lại đặt phương tiện ở vùng biển Vũng Tàu. Với đặc điểm vùng biển rộng, giáp ranh nhiều tỉnh nên khi phát hiện lực lượng điều phương tiện truy đuổi đối tượng chạy theo nhiều hướng khác nhau hoặc sang địa phương khác nên rất khó xử lý. 
Hiện nay trên địa bàn TP có 5 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm (cát san lấp, cát xây dựng) ở các tuyến sông Đồng Nai, Soài Rạp, Gò Gia, Đồng Tranh… với tổng khối lượng cát nạo vét được cấp phép hơn 20 triệu m3.
Cụ thể, dự án nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai từ rạch ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai, tổng khối lượng gần 1,9 triệu m3, đã khai thác gần 332.000m3; dự án xã hội hóa nạo vét thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp, dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với lượng cát khai thác đến năm 2019 khoảng 20 triệu m3… 

Từ năm 2013, TPHCM đã ngưng cấp phép khai thác cát mới nhưng các hoạt động khai thác vẫn diễn ra và hầu hết là khai thác trái phép. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã phát hiện và xử lý 62 vụ khai thác và vận chuyển cát trái phép, bắt 199 đối tượng, tịch thu 132 phương tiện, xử phạt hành chính số tiền 7,7 tỷ đồng.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay việc cấp phép khai thác cát đang tạm ngưng để đánh giá lại. Từ đầu năm đến nay tỉnh cũng đã phát hiện xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép, tịch thu hàng chục phương tiện, chuyển công an xử lý hơn 100 vụ. Tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu tình hình cũng khá phức tạp.
Cát tặc lộng hành ảnh 1 Một bãi tập kết cát giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương. Ảnh Trà Giang 
Quy chế phối hợp chống cát tặc
Theo ông Mai Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, việc khai thác cát trái phép có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các quy định xử lý. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm khó khăn do quy trình thẩm định mất nhiều thời gian. Các dự án nạo vét có phạm vi giáp ranh giữa địa phương chưa có sự thống nhất, đã gây khó khăn cho quá trình giám sát kiểm tra.
Dự báo trong những năm tới nhu cầu cát cho xây dựng và san lấp sẽ rất cao, nên tình hình khai thác cát trái phép chắc chắn sẽ còn nhiều phức tạp. Để việc giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép hiệu quả, đặc biệt là vùng giáp ranh giữa các địa phương có hiệu quả, nhiều chuyên gia đề nghị cần bổ sung, sửa đổi những nội dung còn bất cập so với thực tiễn trong Quy chế phối hợp số 37 các địa phương đã ký trước đó.
Trước mắt, để xử lý nạn khai thác trái phép vùng giáp ranh, UBND tỉnh, thành cần chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp trong tuần tra; bố trí lực lượng chốt chặn tại các điểm nóng giữa các địa phương; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hộp với Bộ chỉ huy Bộ đội các tỉnh giáp ranh và Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3, tổ chức các đợt truy quét khai thác trên vùng biển Cần Giờ.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết sau hội nghị các địa phương sẽ ban hành quy chế phối hợp chống cát tặc, nếu những vấn đề ngoài thẩm quyền các địa phương sẽ xin ý kiến Trung ương.

Các tin khác