Cấp phép xây dựng không "sổ đỏ": Ai hưởng lợi?

Việc đất không có bất cứ giấy tờ gì cũng được xây nhà khiến không ít người quan ngại rằng sẽ rất khó quản lý. Dự thảo Nghị định về giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng với những quy định mới như đất trao tay, qua xác nhận cấp xã… cũng được cấp sổ đỏ khiến nhiều người có đất vui mừng vì có thể được hợp thức hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít lo ngại.

Việc đất không có bất cứ giấy tờ gì cũng được xây nhà khiến không ít người quan ngại rằng sẽ rất khó quản lý. Dự thảo Nghị định về giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng với những quy định mới như đất trao tay, qua xác nhận cấp xã… cũng được cấp sổ đỏ khiến nhiều người có đất vui mừng vì có thể được hợp thức hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít lo ngại.

Dân mừng, "quan" cũng… vui

Anh Nguyễn Đình Tú, xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Cách đây 5 năm tôi đã muốn xây cho mình một căn nhà khang trang để ở, nhưng trước đó tôi chỉ đủ tiền mua một miếng đất giá mềm chưa có sổ đỏ mà chỉ có bằng khoán điền thổ từ ngày xưa cấp cho người bán.

Khi tôi ra công chứng hợp đồng mua bán, phòng công chứng từ chối và giải thích chỉ thực hiện đối với đất đã có sổ đỏ. Vì thế việc mua bán của tôi chỉ là hợp đồng viết tay giữa hai bên.

Suốt từ đó đến nay ý định xây nhà của tôi không thực hiện được. Vì theo Khoản 1, Điều 63, Luật Xây dựng hiện hành, muốn có giấy phép xây dựng phải có hồ sơ xin cấp giấy phép trong đó có bao gồm cả giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai (sổ đỏ). Bây giờ có dự thảo này thì  tốt quá. Tôi rất mong Dự thảo sớm được phê duyệt".

Anh Phạm Minh Tấn, phố Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng: "Tôi mua mảnh đất xen kẹt với mục đích để ở, nếu phải chuyển đổi sang đất ở làm sổ đỏ thì nộp thuế khá tốn kém. Nếu bây giờ có quy định đất chỉ cần không tranh chấp là được tạo điều kiện cho xây nhà để ở thì tốt quá.

Vì thực ra xây nhà tôi chỉ có mục đích để ở, không cầm cố nên có sổ đỏ cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Tất nhiên, quy định này có lợi cho dân nhưng cũng để cửa cho "quan xã" "ăn đêm".

Giải thích vấn đề này tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo mới đây của Bộ Xây dựng, ông Lê Thọ Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: "Nếu tất cả người dân đều đã nhận được sổ đỏ cho đất ở của mình thì chắc chắn sẽ không có điều khoản này trong Dự thảo Nghị định.

Cơ quan cấp phép cũng muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế nhiều người dân không có giấy này. Nếu cứ buộc phải có giấy chứng nhận mới được cấp giấy phép xây dựng thì nhiều người sẽ không xây được nhà. Vì có một thực tế là cơ quan cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên cơ quan cấp phép xây dựng phải đề xuất như vậy để xử lý theo tình huống".

Khó quản lý?

Việc đất không có bất cứ giấy tờ gì cũng được xây nhà khiến không ít người quan ngại rằng sẽ rất khó quản lý. Nhưng theo một vị đại diện khác của Bộ Xây dựng, việc này không đáng ngại.

Vì cấp xã chịu trách nhiệm xác minh, có sai phạm thì thanh tra vào xác minh và người ký văn bản phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, sau khi xây dựng, người dân vẫn phải tiếp tục hoàn thành thủ tục giấy tờ đất đai vì điều này liên quan đến lợi ích sát sườn của họ.

Tuy nhiên, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) lại có quan điểm khác. Ông Chính cho rằng: "Dự thảo Nghị định cần làm rõ đất xin cấp phép xây dựng có phải là đất ở hay không?

Điều khoản quy định như Dự thảo hiện nay gây nên tình trạng người dân hiểu rằng, cứ có đất, bất kể là loại đất gì cứ không có tranh chấp là được phép xây nhà ở. Vì trên thực tế, chủ sở hữu phải đăng ký với cơ quan nhà nước về loại đất, tình trạng đất.

Trong quá trình xác định đất, phía hộ dân phải xác định đất ở là bao nhiêu, chuyển mục đích sử dụng đất từ bao giờ, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Trên cơ sở đó mới có quyền về xây dựng, sản xuất kinh doanh hoặc mua bán chuyển nhượng"...

Ông Chính cũng lo ngại, nếu  không có chế tài để người dân đăng ký và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì sau này rất khó xử lý. Chẳng hạn một mảnh đất đang  được thế chấp ở ngân hàng hay cầm cố... thì họ vẫn có quyền xây nhà và tất nhiên khi đã xây xong chẳng dại gì họ đóng tiền sử dụng đất khiến Nhà nước thất thu...

Các tin khác