Cấp GCN chủ quyền nhà, đất: Nỗ lực nhiều, hiệu quả chưa cao

(ĐTTCO) - Hôm qua 18-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với UBND TPHCM để giám sát về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) trên địa bàn TPHCM. 
Mặc dù trong thời gian qua nhiều chính sách về vấn đề này đã thông thoáng, nỗ lực của chính quyền TP và các sở ngành cũng rất lớn, nhưng vẫn còn một lượng lớn nhà, đất của người dân, tổ chức chưa được cấp.
Còn tồn đọng nhiều trường hợp mua bán giấy tay
Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TNMT TPHCM báo cáo với đoàn giám sát, cho biết tính đến cuối năm 2013 TP đã cấp được 1.366.776 GCN và đã cơ bản hoàn thành cấp GCN đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp GCN theo Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2014) đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch nay được xét cấp theo Nghị định 43/2014 của Chính phủ; hoặc do điều chỉnh quy hoạch TP đã tiếp tục cấp thêm cho  gần 113.900 GCN đã tồn đọng lâu năm.
Về cấp GCN cho tổ chức, từ năm 2012 đến năm 2015, TP đã cấp GCN cho gần 4.900 GCN với hơn 39.400ha. Trong đó đối với đất nông nghiệp, lâm trường đã cấp hơn 1.400 GCN với 38.000/40.100ha (chiếm 94,88%). Riêng đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng do Chi cục Lâm nghiệp quản lý, sử dụng đã cấp GCN 100% diện tích đất. 
6 tháng đầu năm 2017, TP đã cấp được gần 188.900 GCN (đạt 184,7%) so với 6 tháng đầu năm 2016 (102.240 hồ sơ). Trong đó, cấp GCN lần đầu 13.172 hồ sơ, đăng ký biến động 30.837 hồ sơ; cập nhật biến động trên GCN 144.899 hồ sơ. Như vậy, đến nay toàn TP đã cấp được gần 1,49 triệu GCN, trong đó cấp GCN cho tổ chức 10.895 hồ sơ, tăng 234,8% so cùng kỳ năm 2016 (4.640 hồ sơ).
Thống kê sơ bộ từ các quận-huyện, trước khi có Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, TP còn 109.251 trường hợp chưa được cấp GCN; 88.655 trường hợp không đủ điều kiện do chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2014 (37.466 trường hợp); lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch (17.543 trường hợp); vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng chưa xử lý (hơn 7.000 trường hợp); các vướng mắc còn lại 26.593 trường hợp (chiếm tỷ lệ 30%) do giấy tờ nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền, đang tranh chấp…
Đáng lưu ý, có gần 20.600 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN nhưng người dân không có nhu cầu cấp GCN (có đăng ký rõ với địa phương).
Luật Đất đai 2013 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc và TP đã giải quyết được 45.155 GCN. Để tiếp tục triển khai cấp GCN đối với những trường hợp tồn đọng, TP đã yêu cầu các quận-huyện rà soát số lượng nhà, đất chưa cấp GCN trong năm 2017. Tính đến nay chỉ mới có 17/24 quận-huyện báo cáo 42.133 trường hợp tồn đọng, chưa cấp GCN. Con số này chưa đầy đủ bởi còn 8 quận-huyện chưa báo cáo. 
Trong đó, vướng mắc nhiều là các trường hợp vướng quy hoạch, vi phạm luật đất đai, đang tranh chấp (hơn 21.100 trường hợp), tiếp đó là do chuyển nhượng giấy tay sau ngày 1-7-2014 (gần 15.000 trường hợp) và có gần 6.100 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp GCN.  
Ông Trần Văn Thạch cho biết, một những khó khăn dẫn đến tồn đọng chưa cấp GCN cho người dân là các trường hợp mua bán giấy tay. Nghị định 01 thi hành Luật Đất đai 2013, cho phép cấp GCN cho những trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008, ước tính sẽ cấp cho gần 10.000 trường hợp. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm số hồ sơ còn lại, Sở TNMT kiến nghị Bộ TNMT cho phép cấp cho những trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến ngày 1-7-2014, nhưng Bộ đã có công văn trả lời không có cơ sở giải quyết.
Cấp GCN chủ quyền nhà, đất: Nỗ lực nhiều, hiệu quả chưa cao ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trao đổi về tình hình cấp GCN. 
Lót tay nhanh hơn?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết chính sách mở ra rất nhiều, nhưng thực tế người dân đi làm GCN cũng gặp khó khăn. Trong khi đó nhiều trường hợp xây dựng không phép, sai phép nếu “lót tay” vẫn rất nhanh. Đại biểu Nghĩa cho rằng đất nước ngày càng hội nhập với quốc tế, nên việc thực thi pháp luật phải hết sức công minh.
Ông Nghĩa nêu, thời gian qua 2 bên bờ sông Sài Gòn bị “tư nhân hóa”, biến bờ sông Sài Gòn thành của riêng. Đây là điều bất công, vì lẽ ra bờ sông phải là khu vực phục vụ công cộng, cộng đồng dân cư. Vì vậy TP cần phải rà soát lại vấn đề này và có biện pháp chấn chỉnh. 
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, công tác cấp giấy thời gian qua chưa theo kịp nhu cầu của người dân, nhất là tại các quận huyện có đô thị hóa nhanh. Sự chậm trễ cũng đã xảy ra ở một số quận huyện. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng ghi nhận một số quận huyện làm tốt như Bình Chánh, quận 9…
Ông Ngân cũng thừa nhận áp lực cấp GCN rất lớn, ngoài quy định của pháp luật cần có đạo đức công vụ của cán bộ thực thi thì tiến độ mới nhanh được. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở TNMT và các quận huyện cũng như chi nhánh các văn phòng quận huyện. Một trong những tồn tại hiện nay liên quan đến cấp GCN là nhiều khu vực bị “treo”. Thí dụ khu Bình Quới Thanh Đa bị treo hơn 20 năm nay, quyền lợi của người dân bị “treo” rất lớn, trong đó có việc xác lập tài sản của người dân. Đó là lỗi của chính quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc cấp GCN cho người dân ngoài việc xác lập quyền sở hữu của người dân còn là nhu cầu về vốn. Tài sản được cấp GCN sẽ làm gia tăng giá  trị, cá nhân, doanh nghiệp sẽ đưa tài sản đó (thực chất là nguồn vốn) lưu thông vào nền kinh tế. Chính vì vậy đẩy nhanh tiến độ cấp GCN cũng là thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế- xã hội.
Ông Tuyến cho biết việc cấp GCN liên quan đến nhiều ngành từ trung ương đến địa phương, nên cần có sự thống nhất, nỗ lực từ nhiều phía mới đẩy nhanh tiến độ được. Các quận, huyện cần tăng cường sự quản lý để tránh phát sinh các trường hợp xây dựng không phép, sai phép gây khó khăn trong công tác cấp GCN. Công khai quy hoạch để người dân biết. TP sẽ xem xét xóa những dự án, đồ án quy hoạch trên 5 năm mà không triển khai được. Thời gian qua đã xóa được 60 khu bị treo kiểu này. 
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM  Nguyễn Thiện Nhân, nhận định, đối với TPHCM đã đến lúc có 1 mô hình quản lý và xây dựng 1 siêu đô thị. TP phải tự tìm mô hình cho mình chứ không ngồi chờ đợi trung ương. Ông Nhân đề nghị, UBND TP cần có một phân tích riêng, sâu sát hơn về việc cấp GCN trong thời gian qua, để từ đó rút ra bài học được và chưa được, phát huy cái tốt, loại bỏ yếu kém.  

Các tin khác