Cao tốc phía Nam 10 năm vẫn tiếp tục… bò

(ĐTTCO) - Dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương nằm trên địa bàn TPHCM, tỉnh Long An và Tiền Giang, là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2010. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 10 năm, khu vực phía Nam chỉ có thêm cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong khi nhiều tuyến cao tốc khác vẫn đang nằm trên… giấy.

Miền Tây trở về vạch xuất phát
Bao nhiêu năm, vùng châu thổ ĐBSCL với nhiều tiềm năng về nông sản, thủy hải sản, du lịch sông nước… ai cũng biết, nhưng đã bị kìm hãm đà phát triển vì giao thông cách trở với các vùng, miền trên cả nước. 13 tỉnh, thành trong vùng kết nối với cả nước chỉ duy nhất tuyến Quốc lộ 1A. 
Năm 2010, cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 40km nối các tỉnh ĐBSCL với trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TPHCM và miền Đông Nam bộ đưa vào hoạt động, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1A. Những tưởng đây sẽ là khởi đầu suôn sẻ cho kinh tế ĐBSCL bứt phá, bởi những dự án cao tốc tiếp theo như Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) trình duyệt để sớm nối thông đoạn tuyến từ TPHCM đến Cần Thơ. Tuy nhiên cho đến nay các dự án này vẫn đang nằm trên… giấy.
Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều lần khởi công, thi công đình hoãn, Bộ GTVT vừa quyết định khởi động lại. Còn đoạn huyết mạch Mỹ Thuận - Cần Thơ đến nay vẫn chưa được khởi công. Suốt thời gian qua, đời sống của hơn 2,8 triệu hộ trồng cây ăn quả, trồng lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL gặp vô vàn khó khăn.
Cao tốc phía Nam 10 năm vẫn tiếp tục… bò ảnh 1 Cao tốc TPHCM - Trung Lương luôn trong tình trạng ùn ứ các phương tiện. 
Theo số liệu của Viện Phát triển ĐBSCL, tăng trưởng kinh tế của vùng giai đoạn 2001-2010 trung bình tăng 10%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm, đến năm 2018 chỉ còn tăng 7,2%/năm. Yếu kém về hạ tầng giao thông cũng khiến các tỉnh trong vùng khó thu hút đầu tư, hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sau nhiều năm thu phí, đến ngày 31-12-2018, trạm thu phí BOT đường bộ trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã ngừng thu phí, nghe đâu chủ đầu tư đã thu đủ số tiền đầu tư. Và khi đường cao tốc không còn thu phí, tuyến Quốc lộ 1A có rất nhiều xe máy tham gia giao thông, nên các xe tải và container đã chọn cao tốc làm đường an toàn để đi.
Những chiếc xe lớn này lên cao tốc chỉ chạy được 60km/giờ, kéo theo hàng loạt xe khác phải “bò” theo. Ngày lễ đã đành, những ngày thường các phương tiện nối hàng dài không thể di chuyển đúng với tốc độ dành cho đường cao tốc. Theo thống kê, lúc còn thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương mỗi ngày có khoảng 38.000 lượt xe lưu thông, nay mỗi ngày có đến 45.000-48.000 lượt xe. Tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam năm nào nay đã biến thành tuyến đường tránh không hơn không kém.

Miền Đông cao tốc thành “thấp tốc”
Tháng 2-2014, Bộ GTVT đã chính thức làm lễ thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, với tổng chiều dài 55km. Sau khi đưa vào khai thác, từ TPHCM đi ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) và hướng đi Liên Khương (khu vực Tây nguyên) rút ngắn được 20km, chỉ còn 1 giờ (trước đó 70km, mất 3 giờ); đi huyện Long Thành (Đồng Nai) chỉ mất 20 phút và đi Vũng Tàu chỉ còn 1 giờ 20 phút, đồng thời giảm 20-30% chi phí vận tải.
Lợi thế là vậy, nhưng chỉ sau hơn 4 năm đi vào khai thác, tình trạng kẹt xe như cơm bữa, đã biến tuyến cao tốc này thành tuyến đường “thấp tốc”, và dự báo tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt trong những ngày cuối tuần, ô tô khi rẽ vào trạm lấy thẻ từ Long Thành, là bắt đầu “bò” luôn gần 20km cho đến trạm  thu tiền phía TPHCM mới thông xe.
Trong khi đó, đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km (đi qua Long An, TPHCM và Đồng Nai), ban đầu chủ đầu tư dự kiến thông xe trong năm 2018, song đến nay tiến độ thi công dự án chỉ đạt khoảng 73% tổng giá trị xây lắp. Do tiến độ thi công dự án chậm trễ so với kế hoạch, dự kiến cuối năm 2019 đưa vào sử dụng trước 20km và đến năm 2021 mới thông xe toàn tuyến.
Nhưng đó chỉ là dự kiến, bởi việc trễ hẹn các dự án hạ tầng giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Rồi những dự án cao tốc như Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Phan Rang, TPHCM - Tây Ninh cũng chỉ là dự án trên giấy. 
Thiếu tầm nhìn hoạch định cao tốc phía Nam?
Khu vực phía Nam bao gồm các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ (ĐBSCL), là vùng kinh tế năng động bậc nhất của cả nước. Chỉ riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 8 tỉnh, thành phố hiện chiếm hơn 45% GDP cả nước và đóng góp tới 42% ngân sách quốc gia.
Thế nhưng, nhiều năm qua, có thể khẳng định đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở khu vực phía Nam có dấu hiệu “lệch pha”, đặc biệt là đường cao tốc. Cả nước hiện có hơn 800km đường cao tốc, thì khu vực phía Nam có chưa đầy 100km. Đó là chưa kể hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường kết nối với cao tốc vẫn rất chậm, nhiều nơi chưa được hình thành, mở rộng; nhiều tuyến đã có nhưng nhỏ hẹp, xuống cấp. Các cây cầu, bến cảng cũng lâm cảnh tương tự.
Phải chăng Bộ GTVT thiếu tầm nhìn trong việc hoạch định chiến lược cho phát triển đường cao tốc các tỉnh phía Nam? Trong khi kinh tế ở khu vực phía Nam phát triển vô cùng năng động, thì việc đến thời điểm này mới có 2 tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động là quá ít; tình trạng xe chờ đường và điểm nghẽn về giao thông ở đây ngày càng trở nên trầm trọng. Giao thông tắc nghẽn đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của vùng.  

Các tin khác