Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chưa chốt giá

(ĐTTCO)-Bỏ ra hàng triệu USD chi phí đàm phán nhưng đến nay tổ hợp nhà đầu tư Transportation Networks Limited (ITNL) - Strategic Alliance Holdings (SAHI) và Tung Shing Groups (Tung Shing) -  IL&FS vẫn chưa thực sự sở hữu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ảnh). Theo nguồn tin của ĐTTC, IL&FS đang băn khoăn về phần vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào dự án, chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án và chính sách điều hành tỷ giá nhiều biến động.

(ĐTTCO)-Bỏ ra hàng triệu USD chi phí đàm phán nhưng đến nay tổ hợp nhà đầu tư Transportation Networks Limited (ITNL) - Strategic Alliance Holdings (SAHI) và Tung Shing Groups (Tung Shing) -  IL&FS vẫn chưa thực sự sở hữu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ảnh). Theo nguồn tin của ĐTTC, IL&FS đang băn khoăn về phần vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào dự án, chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án và chính sách điều hành tỷ giá nhiều biến động.

Những yếu tố hấp dẫn

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư với quy mô 6 làn xe, có chiều dài 105,5km, là tuyến cao tốc loại A, cao tốc cửa ngõ hướng ra biển duy nhất của Hà Nội và khu kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây được đánh giá là tuyến đường bộ huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với cảng Hải Phòng hiện tại, trong tương lai là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Nhưng thực tế không nhiều nhà đầu tư trong nước đủ tiềm lực tài chính để sở hữu tuyến đường này khi tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 45.487 tỷ đồng (trên 2 tỷ USD). Suất đầu tư cao, tổng vốn đầu tư lớn là một lý do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) hướng việc chào bán tuyến cao tốc này cho nhà đầu tư ngoại giàu tiềm lực tài chính.

 

Sau 1 tháng đưa vào khai thác, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt 12.000-15.000 xe/ngày, các ngày lễ đạt 18.000 xe/ngày; doanh thu toàn tuyến đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày. Nếu so sánh cùng thời điểm đưa vào khai thác, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có lưu lượng xe cao hơn nhiều các tuyến cao tốc khác như Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai. Bên cạnh đó, trong phương án tài chính hoàn vốn dự án VIDIFI cũng tính toán lưu lượng xe lưu thông trên tuyến 85-90% là xe con, xe khách và xe du lịch. Các dòng xe tải, container chỉ chiếm 10-15% tổng lưu lượng xe. Vào giữa năm 2017, khi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long hoàn thành và đưa vào sử dụng, lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được dự báo sẽ tăng 30%.

Về mức thu phí, hiện cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang áp dụng mức thu phí thấp hơn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong thời gian tới, VIDIFI dự kiến điều chỉnh tăng mức thu phí lên 2.000 đồng/km với xe con, tương đương mức thu của cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nhà đầu tư e dè

Theo Quyết định 746, Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào dự án 300 triệu USD, trong đó có 200 triệu USD vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW). Nhưng đến nay, khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu USD để tái cơ cấu VIDIFI vẫn đang nằm trên giấy. Quyết định 746 cũng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, để hỗ trợ giải phóng mặt bằng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 3.699 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau khi dự án thông xe được hơn 1 tháng VIDIFI vẫn chưa thể nhận được nguồn tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án. Lý do được các bộ, ngành đưa ra là không còn ngân sách để bố trí cho VIDIFI vào thời điểm hiện tại.

Trên thực tế số tiền giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được doanh nghiệp ứng ra từ lâu, từ nguồn tiền vay ngân hàng thương mại trong nước với lãi suất 11-12%, nguồn vay ngân hàng nước ngoài với sự bảo lãnh của Chính phủ với lãi suất khoảng 6%. Hiện lãi suất VIDIFI đang phải trả cho các ngân hàng trong và ngoài nước không hề nhỏ. Hiện tổ hợp nhà đầu tư IL&TS đang rất quan tâm đến dự án, mỗi tháng IL&TS và VIDIFI tổ chức 2 cuộc đàm phán về các điều khoản mua dự án. Và trong các lần đàm phán, IL&TS đã đề cập đến khoản vốn góp hàng trăm triệu USD của Nhà nước vào VIDIFI và hàng ngàn tỷ đồng tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Lý do khiến tổ hợp nhà đầu tư IL&FS dè chừng và chưa kết thúc đàm phán, đưa ra giá mua cuối cùng cho tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án này theo Quyết định 746/QĐ-TTg chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá hiện nay cũng đang gây nhiều lo ngại cho nhà đầu tư trong quá trình đàm phán. Điều nữa khiến tổ hợp nhà đầu tư mua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dè chừng, là chính sách thu phí thiếu rõ ràng về thời gian và thời điểm, dù vấn đề lưu lượng xe và mức thu phí hiện nay của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được cho là hấp dẫn hơn các dự án cao tốc tương tự khác. Điều này cần phải rõ ràng nếu không sẽ phá vỡ tiến trình đàm phán với nhà đầu tư, bởi doanh nghiệp nước ngoài luôn có tâm lý lo ngại sự hay thay đổi của chính sách.

Trong quá trình đàm phán với VIDIFI, tổ hợp IL&FS bày tỏ mong muốn kết thúc đàm phán sau khi dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kiểm toán xong trong năm 2016. Nhưng phía VIDIFI lại muốn kết thúc đàm phán với IL&TS trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng tới. Theo VIDIFI, bên cạnh IL&FS còn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khác cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn được mua lại tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

Các tin khác