Cảng Phú Định - Nguy cơ hoang phí 400 tỷ đồng

Mới khánh thành giai đoạn 1 cách nay nửa tháng nhưng thực tế cảng Phú Định (Q8, TPHCM) đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2011. Đây là cảng sông lớn nhất TPHCM, tuy vậy suốt 9 tháng qua cảng hoạt động không hiệu quả, thậm chí không cạnh tranh nổi với bến “cóc”.

Mới khánh thành giai đoạn 1 cách nay nửa tháng nhưng thực tế cảng Phú Định (Q8, TPHCM) đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2011. Đây là cảng sông lớn nhất TPHCM, tuy vậy suốt 9 tháng qua cảng hoạt động không hiệu quả, thậm chí không cạnh tranh nổi với bến “cóc”.

Xây dựng rùa, hoạt động ì ạch

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, cảng sông Phú Định là một dự án trọng điểm được xây dựng tại vị trí ngã ba sông Cần Giuộc - Chợ Đệm (Bến Lức, Long An) - kênh Đôi (quận 8, TPHCM). Đây là vị trí xuất phát từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL bằng 3 tuyến đường thủy: TPHCM - Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên; TPHCM - Kiên Lương, Hà Tiên; TPHCM - Cà Mau.

Từ khi đưa vào khai thác, lượng hàng tiếp nhận chỉ đạt 600.000 tấn so với khả năng bốc xếp 2,5 triệu tấn/năm. Điều đáng nói, cảng sông lớn nhất này không có lực lượng bốc xếp cơ hữu mà phải thuê một công ty bốc xếp bên ngoài vào khi có tàu thuyền cập cảng, làm cho lợi nhuận cũng như hiệu quả khai thác giảm đi rất nhiều.

Sự hình thành cảng này còn nhằm mục đích di dời tất cả bến bãi, kho hàng nội thành ra ngoại thành để từ đó tập trung mạng lưới cảng, bến bãi TPHCM về một mối.

Năm 2003, giai đoạn 1 của dự án được khởi công với quy mô 10ha (trong tổng diện tích đầu tư 3 giai đoạn đến năm 2020 là 64ha), tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, phần lớn là ngân sách TP. Theo đó, giai đoạn 1 của cảng sông Phú Định với hơn chục cầu cảng, đường nội bộ và các nhà kho sẽ hoàn thành chậm nhất trong năm 2007.

Tuy nhiên, công trình đã được thi công với tiến độ… rùa, khiến phát sinh kinh phí thêm nhiều tỷ đồng, nhiều hạng mục chưa xây dựng xong đã có biểu hiện xuống cấp. Trong khi đó nhu cầu trung chuyển hàng hóa ngày càng tăng, tạo cơ hội cho các bến “cóc” tự phát mọc lên đón đầu.

Sau hơn 7 năm, đầu năm 2011 cảng sông Phú Định mới bắt đầu đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 5ha kho bãi và 11 cầu cảng, công suất bốc dỡ 2,5 triệu tấn/năm. Sở Giao thông - Vận tải TPHCM khẳng định  khi hoàn thành các giai đoạn 2 và 3, đây  sẽ là cảng sông lớn nhất của TP để tiếp nhận các loại hàng hóa nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, kim khí...

Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động, cảng Phú Định đã không thể khai thác đúng công suất, hiệu quả khai thác của cảng không như mong đợi của lãnh đạo TPHCM. Sự khởi động của cảng Phú Định cũng đang chậm chạp như giai đoạn thi công.

Chỉ có vài ghe thuyền nhỏ cập cảng, chưa có được không khí nhộn nhịp, tấp nập của một cảng sông ở vị trí đắc địa, được quy hoạch bài bản và đầu tư lớn.

Cảng sông Phú Định theo thiết kế sẽ có 14 kho bãi, mặc dù mới có 1 kho diện tích 4.800m2 đưa vào khai thác nhưng luôn trong tình trạng trống do đói hàng.

 Không khảo sát kỹ trước khi đầu tư?

Từ khi đi vào hoạt động, cảng Phú Định đã không thể khai thác đúng công suất, hàng ngày chỉ có vài ba ghe thuyền nhỏ cập cảng. Ảnh: THANH VY

Từ khi đi vào hoạt động, cảng Phú Định đã không thể khai thác đúng công suất,
hàng ngày chỉ có vài ba ghe thuyền nhỏ cập cảng. Ảnh: THANH VY

Trong khi cảng Phú Định ế ẩm, các bến “cóc” tự phát ven sông Chợ Đệm và dọc các tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ đang rất nhộn nhịp, hàng nông sản đưa lên chất đầy trên bờ.

Vì sao có nghịch lý như vậy? Nhiều chủ thuyền cho biết, việc cập bến ở cảng Phú Định phải làm thủ tục phức tạp, phí cao, trong khi cập các bến “cóc” giao dịch dễ dàng, phí thấp hơn nhiều.

Còn ông Trần Hòa Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM (trực thuộc TCT Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Samco), giải thích: “Cảng Phú Định hoạt động không hiệu quả, ngoài việc có nhiều bến “cóc” ven kênh rạch đón hết nguồn hàng, còn do những nguyên nhân làm hạn chế công suất khai thác. Hệ thống cầu cảng của cảng Phú Định được thiết kế để có thể đón các loại tàu có tải trọng 500 tấn và sà lan 1.000 tấn, nhưng luồng lạch cạn nên chỉ các tàu tải trọng nhẹ 200-300 tấn mới vào được.

Hơn nữa, đoạn đường Hồ Học Lãm kết nối cảng Phú Định ra đường Nguyễn Văn Linh xuống Quốc lộ 1A lại cấm xe tải 2,5 tấn lưu thông từ 6 giờ sáng đến 21 giờ, khiến khó thông nguồn hàng ra vào cảng bằng đường bộ. Chúng tôi đang kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải sớm có biện pháp tháo gỡ để hàng hóa ra vào cảng thuận lợi”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTTC, tuyến đường Hồ Học Lãm lâu nay chỉ phục vụ dân sinh, mặt đường hẹp, vào mùa mưa hay những lúc triều cường thường ngập nước. Do vậy nếu cho xe tải lưu thông vào cảng với mật độ lớn sẽ khiến giao thông mất an toàn, đường xuống cấp.

Như vậy chủ trương hạn chế xe tải nặng lưu thông là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề đặt ra là ngay từ khi lập dự án đầu tư cảng Phú Định, phải tiến hành khảo sát hiện trạng tuyến đường vào cảng và các luồng lạch phục vụ vận chuyển hàng hóa để nâng cấp ngay từ đầu, sao lại để đến khi cảng đi vào hoạt động mới phát hiện những vướng mắc này và “kêu cứu”.

Ông Trần Hòa Lan thừa nhận: “Xe tải đi nhiều sẽ làm hư hại đường, do đó cần nâng cấp đường ngay. Nhưng đây là công trình thuộc dự án đường vành đai 2, dự kiến mở rộng 60m, TP chưa có kinh phí đầu tư nên chưa biết lúc nào sẽ khởi công.

Về việc thiếu khảo sát hệ thống luồng lạch để có kế hoạch nạo vét giúp tàu thuyền lớn ra vào cảng, mới đây chúng tôi và Ban Quản lý cảng Hiệp Phước có khảo sát luồng tuyến để phối hợp giữa 2 cảng. Nhưng qua khảo sát đành chịu thua, vì sông cạn, cầu thấp, tàu lớn không thể qua, dùng tàu nhỏ sẽ không hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề giao thông đường bộ và đường sông ra vào cảng, chúng tôi cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng”.

Nếu tình trạng ế ẩm kéo dài, cảng Phú Định đứng trước nguy cơ sẽ phải đóng cửa và khó thu hồi vốn.

Các tin khác