Cẩn trọng sức nóng cầu Cát Lái

(ĐTTCO) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công trong những năm tới, nay người dân tỉnh Đồng Nai thêm “mở cờ” trong bụng khi đề xuất xây dựng dự án cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giới kinh doanh địa ốc đang kỳ vọng cây cầu “trong mơ” này sẽ kích hoạt thị trường nhà đất Nhơn Trạch “cất cánh”.

(ĐTTCO) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công trong những năm tới, nay người dân tỉnh Đồng Nai thêm “mở cờ” trong bụng khi đề xuất xây dựng dự án cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giới kinh doanh địa ốc đang kỳ vọng cây cầu “trong mơ” này sẽ kích hoạt thị trường nhà đất Nhơn Trạch “cất cánh”.

Đại dự án “sa lầy”

Năm 1996, sau khi dự án xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) được Chính phủ phê duyệt, vùng đất “vừa gần, vừa xa” này như dậy sóng với hàng loạt đại dự án BĐS được công bố. Thế nhưng, sau 20 năm, các dự án này vẫn “án binh bất động”.

Một vấn đề lớn đang được nhiều nhà đầu tư lưu tâm, đó là cơn sốt đất Nhơn Trạch hiện nay xuất phát từ nhu cầu thật hay tiếp tục chỉ là cơn sốt ảo từ giới đầu cơ TPHCM? Bởi bài học “thành phố ma” Nhơn Trạch bị bỏ hoang thời gian dài, hay thành phố mới Bình Dương “xây nhà nuôi chim yến” vẫn còn nóng hổi. Nhà đầu tư TPHCM khi nghĩ tới đã vô cùng ngán ngẩm, muốn bỏ của chạy lấy người.

Tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch), một dự án khu dân cư có quy mô hơn 55ha, dân số hơn 13.000 người, do CTCP Taekwang Vina Industrial làm chủ đầu tư, định hình từ thời gian nói trên nhưng đến nay toàn bộ dự án chỉ dừng lại là… bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Dự án Sunflower nằm trên địa bàn xã Phước An, do Công ty Thăng Long Real Corp làm chủ đầu tư tình cảnh cũng không khá hơn. Dự án có quy mô 150ha, với số vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng (một nguồn vốn rất lớn thời điểm những năm 2000). Dù chủ đầu tư thời gian qua đã thi công tương đối hệ thống đường, điện, cây xanh, song lúc này vẫn chưa thấy các hộ dân tới đây sinh sống. Lâu ngày hạ tầng xuống cấp, nhiều chỗ trong dự án được người dân trồng sắn lấy củ…

Phóng viên ĐTTC đã có mặt tại Khu đô thị Nhơn Trạch vào những ngày đầu tháng 10. Sau 20 năm được quy hoạch, khung cảnh nơi đây vẫn vắng vẻ. Ngoài những trụ sở, tòa nhà của các đơn vị, cơ quan nhà nước, các tuyến đường rất vắng bóng người dân, thi thoảng có chiếc ô tô chạy ngang. Ở những khu dân cư được quy hoạch trước đây, đường xá vuông vức, phủ nhựa rất tốt, 2 bên đường là những ngôi biệt thự, song chỉ trơ tường gạch, phủ đầy rêu phong. Phần lớn các diện tích được quy hoạch là phố thị, giờ cỏ lên xanh rì, nhiều đám sắn được mọc lên tươi tốt. Đó là dấu tích của sự “nóng sốt” một thời của đô thị mới Nhơn Trạch.

Cách đây 20 năm, khi Bộ Xây dựng công bố quy hoạch Nhơn Trạch là thành phố mới, giá đất nơi đây đã tăng ào ào dưới tác động của giới đầu cơ, đất ruộng từ vài trăm ngàn đồng/m2 đã được đẩy lên đến 6-8 triệu đồng/m2, rồi sau đó rớt thê thảm. Năm 2014, Quốc hội thông qua dự án sân bay quốc tế Long Thành, đất đai ở huyện Nhơn Trạch lại “sốt”, sau đó rồi trầm lắng. Nguyên nhân 2 lần “rớt giá” của thị trường BĐS ở Nhơn Trạch là do giới đầu cơ TPHCM tìm đến đây kiếm lợi nhuận, mà không xuất phát từ nhu cầu ở thật.

Khu đô thị mới Nhơn Trạch bị bỏ hoang, vắng bóng người vì “lỗi nhịp”.

Khu đô thị mới Nhơn Trạch bị bỏ hoang, vắng bóng người vì “lỗi nhịp”.

Địa ốc đón sóng cây cầu

Đầu tháng 9-2016, thông tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án cầu Cát Lái đã làm “mát lòng” chính quyền các cấp và người dân vùng Đông Nam bộ. Đây là tuyến đường gần nhất nối từ TPHCM đến Sân bay quốc tế Long Thành. Có cầu, người dân từ TPHCM và cả các tỉnh ĐBSCL đi về các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng và ngược lại sẽ được thông suốt, chi phí và thời gian sẽ tiết kiệm được nhiều. Và như vậy tình cảnh “qua sông lụy đò” sẽ chấm dứt, khi cứ vào ngày lễ, tết của những năm qua, người dân từ phía quận 2 (TPHCM) phải chờ đợi hàng giờ để được sang huyện Nhơn Trạch, rồi tỏa về Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Phước, người dân ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) hồ hởi, cho biết: “Người dân địa phương như tụi tui bao năm qua đi công việc ở TPHCM đều phải qua phà, vào ngày lễ đi lại rất mất thời gian. Sắp tới có cầu Cát Lái, cuộc sống của người dân Nhơn Trạch chắc sẽ thay đổi nhiều, do giao thông được thông tuyến”.

Tại cuộc họp gần đây, TPHCM cũng như tỉnh Đồng Nai đã có những bàn bạc bước đầu để thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái. Theo đó, TPHCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hiện đang trình nội dung báo cáo cụ thể để Bộ GT-VT bổ sung vào quy hoạch. Còn ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề cập vấn đề chủ động và thống nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, sử dụng nguồn vốn ngân sách hợp lý và đẩy nhanh các bước thủ tục...  “Sức nóng” từ chủ trương xây cầu Cát Lái đã “thổi” vào thị trường BĐS miền Đông. Từ phà Cát Lái đến ngã ba Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 và xã An Phú, người đi đường dễ dàng bắt gặp cứ vài trăm mét lại thấy một bảng môi giới nhà đất; các quán cà phê kiêm môi giới nhà đất “rộ” như nấm mọc sau mưa. Theo một số sàn giao dịch BĐStại huyện Nhơn Trạch, giá đất ở những khu vực gần phà Cát Lái và mặt tiền đường lớn thuộc các xã Đại Phước, Phú Hữu được rao bán với giá từ 12-17 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp tại đây giá cũng rất cao, hiện 1ha trồng cây lâu năm có giá từ 12-15 tỷ đồng. Nhiều chủ đất phân lô bán nền giấy tay giá 120-150 triệu đồng/100m2.

Các tin khác