Cân nhắc dự án hầm vượt đê sông Hồng

UBND TP Hà Nội vừa quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ vượt đê sông Hồng đoạn từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn. Phương án này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và các chuyên gia.

UBND TP Hà Nội vừa quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ vượt đê sông Hồng đoạn từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn. Phương án này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và các chuyên gia.

Theo lý giải của UBND TP, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ này nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân. Tuyến hầm cũng giúp các phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện. Đây cũng là một phần trong dự án tổng thể dọc tuyến hành lang sông Hồng, từng bước khai thông về phía Đông TP.

Theo phương án sơ bộ, hầm đường bộ xuyên đê sẽ không làm hầm chui sâu như hầm Kim Liên, phần tĩnh không phía trên cũng chỉ rộng khoảng 3m như hầm chui Vạn Kiếp - Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư. Để tạo độ dốc của hầm, mặt đường trên đê sẽ được tôn cao hơn hiện tại, mở rộng từ 19-22m, tùy từng vị trí. Đặc biệt, phần lớn diện tích được mở rộng nằm về phía bên phải, vì diện tích đất đai này chủ yếu thuộc các cơ quan, đơn vị, phía bên trái gần như giữ nguyên.

Lý giải cho phương án xây hầm xuyên đê thay vì xây cầu vượt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết TP cũng đã cân nhắc kỹ giữa 2 phương án này. Riêng cầu vượt có 3 phương án khác nhau nhưng đều không khả thi, bởi lẽ cầu vượt nếu bảo đảm các yêu cầu về tĩnh không, độ dốc dọc theo quy định phải dài trên 300m, cao trên 4,75m. Như vậy, mố cầu và đường dẫn đầu cầu sẽ che toàn bộ nút giao Tôn Đản - Ngô Quyền khiến giao thông tại khu vực này bị đảo lộn.

Mặc dù không tiềm ẩn nhiều nguy cơ như đường hầm vượt sông, nhưng hầm vượt xuyên đê sông Hồng vẫn nhận được sự quan tâm bởi nguy cơ mà nó có thể mang lại. Mối lo ngại lớn nhất dành cho dự án trị giá 90 tỷ đồng này là nếu thiết kế, tính toán không chuẩn, vào mùa lũ đường hầm sẽ trở thành đường ống xả nước từ sông Hồng ngược lại nội đô, gây ngập lụt cho Hà Nội.

“Trong điều kiện sông Hồng được dự báo mực nước sẽ tiếp tục dâng lên, sẽ xử lý vấn đề ngập lụt như thế nào, làm thế nào để đường hầm không trở thành cống xả lũ; hoặc mức ngập lụt lên tới 10-11m như đã từng xảy ra, phương án đối phó là gì… TP đều phải tính đến” - TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhấn mạnh.

Mối lo ngại nữa được đặt ra là an toàn đê điều sẽ bị ảnh hưởng khi xây dựng đường hầm. Với một dòng sông thuộc diện “khó đoán” như sông Hồng, nếu xảy ra sai sót, những tổn thất mà Hà Nội gặp phải sẽ không nhỏ. Theo các chuyên gia, để tránh mối nguy này, TP cần phải nhanh chóng kè và làm đường ven sông, đồng thời tính toán thận trọng và kỹ lưỡng về dòng chảy, độ dâng của nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện tất cả đang ở mức khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư, từ đó sẽ tìm ra phương án tối ưu, phù hợp nhất. Bên cạnh việc xây đường hầm vượt đê, theo quy hoạch đến năm 2050, TP dự tính xây đường hầm vượt sông Hồng - một dự án được đánh giá khó khăn và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bởi sự phức tạp về địa chất, dòng chảy của dòng sông này.

Vì thế, việc xây dựng đường hầm xuyên đê là một “phép thử” cho Hà Nội trước khi triển khai dự án vượt sông theo như quy hoạch. Nếu được phê duyệt, đường hầm vượt đê sông Hồng dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.

Các tin khác